Các bạn đang học tiếng
Tây-ban-nha hẳn biết sự quan trọng của dấu sắc dùng với các từ ngữ. Dấu sắc này
có thể giúp phân biệt được cách phát âm (vần mang dấu sắc được đọc nhấn mạnh,
ví dụ continúo ‘tôi đang tiếp tục’ và continuó “anh ấy đã tiếp
tục”), ý nghĩa (sí “vâng, dạ” và si “nếu”) hay từ loại (dónde
là trạng từ nghi vấn—adverbio
interrogativo, còn donde là trạng từ liên hệ—adverbio relativo). Hai trong những chữ
đầu tiên mà chúng ta học từ những ngày mới làm quen với tiếng Tây-ban-nha là qué và
que.
Trước hết, chữ qué mang dấu sắc nên luôn luôn đọc nhấn mạnh hơn là chữ que,
không có dấu. Nói là hai chứ thực ra nhiều hơn thế nữa. Xin mời các bạn cùng
xem qua những loại qué và que sau đây.
1. QUÉ – Đại danh từ nghi vấn
(Pronombre interrogativo):
[cái
gì, sao]—Chữ qué là đại danh từ khi nó đứng một
mình (không có danh từ theo sau).
¿Qué dijo usted? (Ông nói gì?)
¿Por qué lo hiciste? (Tại sao anh làm vậy?)
2. QUÉ – Tính từ nghi vấn (Adjetivo
interrogativo): [gì,
nào]—Chữ qué là tính từ khi theo sau nó là một danh từ (sustantivo).
¿Qué clases tomas este semestre? (Mùa
học này anh lấy những lớp nào?)
3. QUÉ – Trạng từ cảm thán (Adverbio
exclamativo): [làm
sao, thế nào ấy]—Với vai trò và ý nghĩa này, qué đứng trước một tính từ
(adjetivo) hay trạng từ (adverbio).
¡Qué simpática es María! (María dễ mến
làm sao!)
¡Qué bien canta Carlos! (Carlos hát
hay thế nào ấy!)
4. QUÉ – Lượng từ cảm thán (Cuantificador
exclamativo): [không
biết bao nhiêu là]—Câu cảm thán có loại qué này có cấu trúc là qué +
de + danh từ số nhiều (cộng với phần còn lại của câu).
¡Qué de pasteles se comió Pedro! (Pedro
đã ăn hết không biết bao nhiêu là bánh!)
5. QUE – Hư từ (Partícula
pleonástica): Chữ que
này được gọi là hư từ vì nó thường được
dùng trong loại câu hỏi có-hay-không (preguntas
de sí o de no) theo thói quen trong ngôn ngữ đàm thoại mà không có nghĩa gì
cả. Nói khác đi, có bỏ chữ này ra thì câu hỏi vẫn cùng một ý nghĩa.
¿Que habla bien Norma el español? (Norma
nói tiếng Tây-ban-nha giỏi lắm à?)
Cách nói này cũng thường dùng trong sách vở hay trong
ngôn ngữ chuẩn mực mà không cần có hư từ que:
¿Habla bien Norma
el español?
6. QUE – Liên từ bổ túc (Conjunción
complementante): [rằng,
là]—Loại liên từ này dùng để nối một tha động từ (verbo transitivo) với một mệnh đề danh từ (cláusula sustantiva) làm túc từ trực tiếp (complemento directo) cho động từ đó.
Creo [que tú tienes razón]. (Tôi nghĩ rằng/là
anh có lý)
Liên từ bổ túc này còn được dùng trước một mệnh đề có
nghi vấn từ (palabra interrogativa) để
phân biệt một câu hỏi gián tiếp “thật” (pregunta
indirecta) với một câu hỏi gián tiếp “giả” (seudo-pregunta) trong trường hợp động từ dùng để tường thuật có ý
nghĩa chung chung như decir (‘nói’) (chứ không rõ ràng như
preguntar
(‘hỏi’). Chúng ta hãy xét hai ví dụ dưới đây:
a. Juan dijo [por
qué María no le llamaba].
b.
Juan dijo que [por qué María no le llamaba].
Cấu trúc khác nhau của hai câu trên buộc chúng ta phải hiểu
nghĩa của động từ decir một cách khác nhau. Đồng thời, sự khác nhau này làm cho ý
nghĩa của mệnh đề phụ cũng thay đổi hẳn. Câu (a) (không có chữ que)
có nghĩa là “Juan giải thích tại sao
María không gọi cho anh ấy”. Như vậy, mệnh đề phụ trong câu này có hình thức
của một câu hỏi mà thật ra chỉ là một lời giải thích. Chúng ta gọi nó là câu hỏi
gián tiếp “giả” là vì thế. Câu (b) có nghĩa là “Juan hỏi tại sao María không gọi cho anh ấy”. Chính chữ que đã
làm cho mệnh đề phụ trở thành một câu hỏi gián tiếp thật sự.
7. QUE – Đại từ liên hệ (Pronombre
relativo): [mà]—Loại
que
này được dùng trong một mệnh đề tính từ (cláusula adjetiva) để nối một danh từ với phần còn lại của mệnh đề
đó.
El hombre [que encontraste ayer] es mi tío. (Người
mà anh gặp hôm qua là chú tôi)
Lo [que me sorprendió] fue su éxito
académico. (Điều mà làm tôi ngạc nhiên là sự thành công về học vấn của anh ấy)
8. QUE – Liên từ kết hợp
(Conjunción coordinada): Với
vai trò này, que được dùng trong ba trường hợp khác nhau.
a. Que
nêu lên sự tương phản giữa một thành phần
xác định và một thành phần phủ định:
Es tigre, que no leopardo. (Đó là con hổ chứ
không phải là con báo)
Justicia pedimos, que no compasión. (Chúng tôi đòi hỏi
công lý chứ không phải lòng thương hại)
b. Que
dùng với động từ estar (ở bất cứ thì nào) và dạng ngôi thứ ba số ít thì hiện tại của một động từ chính để diễn tả một
hành động lập đi lập lại:
Los estudiantes estaban
canta que canta la canción. (Các
sinh viên hát đi hát lại bài hát)
Estamos come que come los mismos platos entre
semana. (Trong tuần chúng
tôi cứ ăn tới ăn lui những món đó)
c. Que có thể dùng thành cặp, một chữ đi với một thành phần xác
định, còn chữ kia đi với một thành phần phủ định để nêu lên sự phân biệt giữa
hai thành phần đó.
Que venga
Andrés, que no venga, igual iremos a
la playa. (Andrés có tới hay
không thì chúng ta cũng vẫn đi biển)
9. QUE – Liên từ phụ thuộc (Conjunción
subordinada): Như tên gọi của
nó, chữ que loại này nằm ở đầu một mệnh đề phụ thuộc trạng từ (cláusula subordinada adverbial) và diễn
tả những ý nghĩa sau đây:
a. Nguyên nhân: No hagas ruido, [que
está dormido el bebé]. (Đừng
làm ồn vì em bé đang ngủ)
b. Mục đích: Siéntate [que veamos
la tele juntos]. (Ngồi xuống
đây để mình cùng xem truyền hình).
c. Kết quả: Comió [que
casi se reventó]. (Nó ăn đến nỗi
gần vỡ bụng)
Nhiều quá, phải không các bạn? Nhưng cứ từ từ rồi chúng
ta sẽ quen với những chữ qué/que này. Chú ý quan sát là một
trong những điều quan trọng nhất trong việc học ngoại ngữ. Khi nghe người bản ngữ
dùng những chữ này, chúng ta nên để ý xem họ dùng với ý nghĩa gì. Nếu không hiểu,
chúng ta có thể nhờ họ giải thích hay hỏi thầy cô dạy tiếng Tây-ban-nha. Khi đọc
thấy những chữ này trong sách vở hay báo chí, chúng ta để ý xem tại sao có chữ
mang dấu sắc, có chữ không, và được dùng với vai trò văn phạm hay ý nghĩa gì.
Ngạn ngữ Tây-ban-nha có nói “Muchos pocos
hacen un mucho”, cũng như trong tiếng Việt của chúng ta có câu “Tích thiểu thành đa” hay “Góp gió thành bão”. Học mỗi ngày một ít
rồi dần dà chúng ta sẽ biết ngày càng nhiều hơn!
Trần C. Trí
No comments:
Post a Comment