Wednesday, April 29, 2015

PHÂN BIỆT TÚC TỪ TRỰC TIẾP VÀ TÚC TỪ GIÁN TIẾP


Để trả lời câu hỏi của bạn Ducloi Nguyen: Em muốn hỏi đến phần tân ngữ trực tiếp và gián tiếp  (complemento directo e indirecto) cách phân biệt cái nào là CD và CI trong một câu ạ”.
            Một số động từ trong tiếng Tây-ban-nha có thể đòi hỏi cả hai loại túc từ: Túc từ trực tiếp (complemento directo) và túc từ gián tiếp (complemento indirecto). Những động từ này có tên văn phạm là verbos ditransitivos, hay trong tiếng Việt có thể tạm gọi là động từ có hai túc từ. Muốn phân biệt hai loại túc từ này, trước hết chúng ta cần nhớ rằng các túc từ có thể ở dạng danh từ (sustantivos) hay đại danh từ (pronombres).
            Khi túc từ gián tiếp là danh từ, chúng ta cũng cần biết thêm một chi tiết nữa là trong tiếng Tây-ban-nha người ta hầu như luôn luôn dùng kèm một đại danh từ túc từ gián tiếp (pronombre de complemento indirecto). Nghe qua thì có vẻ như câu nói bị “thừa”, nhưng đó là thói quen của người bản ngữ. Ví dụ như câu dưới đây:
              María le escribió una carta a Juan. (María viết thư cho Juan (+cho anh ấy))
             Trong ví dụ trên, una carta là túc từ trực tiếp, còn Juan là túc từ gián tiếp. Tuy nhiên, đại danh từ le cũng là túc từ gián tiếp và nó cũng chỉ về Juan. Vì thế mà câu nói có vẻ “thừa”, nhưng bắt buộc phải nói như vậy.      
            Tạm để chữ le qua một bên, chúng ta thấy phân biệt một túc từ trực tiếp với một túc từ gián tiếp—khi cả hai cùng là danh từ—cũng không khó gì mấy. Một túc từ trực tiếp như una carta thường đi một mình, còn túc từ gián tiếp luôn luôn đi sau giới từ a. Biết được như vậy, nếu hai túc từ nằm ở đâu trong câu chúng ta cũng có thể nhận ra được. Cấu trúc tiếng Tây-ban-nha rất uyển chuyển; trật tự từ ngữ trong câu có thể đảo lộn bằng nhiều cách. Câu trên có thể nói lại như sau:
            A Juan le escribió María una carta.
            Nhưng dù các túc từ nằm ở đâu, khi chúng ta đã biết cách nhận dạng thì cũng không đến nỗi khó. Tuy vậy, có một rắc rối nho nhỏ là khi túc từ trực tiếp chỉ về người thì văn phạm Tây-ban-nha lại đòi hỏi người nói phải dùng tiểu từ a (partícula; hay cũng  gọi là la A personal), và tiểu từ a này hoàn toàn không phải là giới từ a (preposición) thường đi với túc từ gián tiếp. Xem ví dụ sau đây:
            María le presentó a Juan a la profesora de español.
            (María giới thiệu Juan với giáo sư dạy tiếng Tây-ban-nha)
            Cũng may là những trường hợp như trên không nhiều lắm. Trong câu trên, thường thường chúng ta căn cứ vào vị trí của các túc từ để nhận dạng chúng. Túc từ trực tiếp thường nằm gần động từ là túc từ trực tiếp (như vậy chữ a trước Juantiểu từ); còn túc từ gián tiếp thường nằm xa động từ hơn (như vậy chữ a trước la profesoragiới từ).
            Thế thì khi cả hai loại túc từ cùng mang dạng đại danh từ cả thì làm sao để nhận dạng từng loại? Đến đây thì chúng ta phải biết được các đại danh từ túc từ trực tiếp là gì và các đại danh từ túc từ gián tiếp là gì. Bảng đối chiếu đại danh từ dưới đây sẽ giúp chúng ta biết rõ loại nào là loại nào:
Pronombre de sujeto
Đại danh từ làm chủ từ
Pronombre de complemento directo
Đại danh từ làm túc từ trực tiếp
Pronombre de complemento indirecto
Đại danh từ làm túc từ gián tiếp
Pronombre preposicional
Đại danh từ làm túc từ của giới từ
yo
me
me
te
te
ti
él
lo
le
él
ella
la
le
ella
usted
lo/la
le
usted
nosotros, -as
nos
nos
nosotros, -as
vosotros, -as
os
os
vosotros, -as
ellos
los
les
ellos
ellas
las
les
ellas
ustedes
los/las
les
ustedes
            Chắc các bạn sẽ thắc mắc tại sao cần biết thêm loại thứ tư (pronombres preposicionales) và loại này sao trông “gần giống” như loại thứ nhất vậy. Đó là vì chúng ta có thể nghe một câu như sau:
            A nosotros nos lo mandaron ellos. (Họ gởi cái đó cho chúng tôi)
            Trong câu trên có bốn đại danh từ: (1) nosotros là đại danh từ làm túc từ cho giới từ (dùng “thừa”!); (2) nos là đại danh từ túc từ gián tiếp; (3) lo là đại danh từ túc từ trực tiếp và (4) ellos là đại danh từ làm chủ từ của câu.
            Còn một luật nữa mà chúng ta không thể không kể đến! Đó là khi hai đại danh từ túc từ gián tiếp le, les đi trước một trong các đại danh từ túc từ trực tiếp lo, la, los, las thì phải đổi thành se! Luật này khá rắc rối nên chúng ta cùng nhau đi từng bước một và xem câu ví dụ dưới đây biến hoá” như thế nào nhé:
a.       A Juan le escribió María una carta. (María viết một lá thư cho Juan)
b.      A él *le la escribió María. (Câu này “sai” vì theo luật le không dùng trước la)
c.       A él se la escribió María. (Câu này mới đúng!)
Đến đây, chúng ta lại cần biết thêm một điều quan trọng nữa. Khi trong một câu có hai đại danh từ (hay trong một vài trường hợp hiếm hoi, ba đại danh từ!) cùng xuất hiện thì biết để cái nào trước, cái nào sau? Đa số các sách giáo khoa hay thầy cô dạy tiếng Tây-ban-nha thường nói là “túc từ gián tiếp đi trước túc từ trực tiếp”. Điều này chỉ đúng trong nhiều trường hợp chứ không thể đúng hết trong mọi trường hợp. Để cho “chắc ăn”, chúng ta hãy nhớ vị trí của các đại danh từ như sau đây (theo thứ tự là bên trái đến trước bên phải):
Vị trí của đại danh từ túc từ trong câu
SE
TE
ME
LE
LO, LA
OS
NOS
LES
LOS, LAS
            Để ý là trong bảng trên, le/les xếp trước lo/la/los/las nhưng nếu hai loại này gặp nhau thì le/les phải được đổi thành se. Vị trí trên giúp cho ta thấy là le/les phải đứng sau các loại đến trước nó. Ví dụ như trong câu dưới đây:
            te le fuiste a ella. (Anh bỏ cô ấy mà đi)
            Nói về túc từ trong tiếng Tây-ban-nha thì nhiều không biết bao giờ mới hết! Tuy nhiên, để trở lại câu hỏi là làm sao phân biệt túc từ trực tiếp với gián tiếp, chúng ta xem lại câu (c) ở trên:
            A él se la escribió María.
            Chúng ta có thể dùng bảng đối chiếu các đại danh từ ở trên để nhận dạng vai trò của các đại danh từ trong câu này. Theo bảng trên, él là đại danh từ làm túc từ của giới từ; se là do le mà ra (vì đứng trước la)—như vậy nó là đại danh từ làm túc từ gián tiếp; la là đại danh từ làm túc từ trực tiếp.
           Cũng khá rắc rối, phải không các bạn? Nhưng ¡que no decaigan! (các bạn đừng nản chí nhé!) :=)
Trần C. Trí

No comments:

Post a Comment