Các bạn có dịp tiếp xúc với những người
nói tiếng Tây-Ban-Nha từ nhiều nước khác nhau, hay từng du học ở những nước đó,
chắc đã quan sát được cách họ dùng đại danh từ nhân xưng (pronombres personales) khác nhau, khác với những gì chúng ta học một
cách chính thống trong sách vở ở học đường. Khuynh hướng dùng đại danh từ khác
nhau, nghe có vẻ dài dòng trong tiếng Việt, thật ra rất ngắn gọn trong tiếng
Tây-ban-nha: El pronombrismo. Định nghĩa chính xác về khái niệm này là Khuynh hướng dùng những dạng khác nhau của đại
danh từ làm túc từ ở ngôi thứ ba số ít và số nhiều trong những địa phương ngữ
Tây-Ban-Nha.
Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta hãy
lấy một ví dụ có điểm khác nhau của hai trong các khuynh hướng này để có một
khái niệm ban đầu về vấn đề này. Cùng một câu “Tôi đã gặp anh ấy”, một người sống
ở Tây-Ban-Nha sẽ nói là “Yo le vi”, còn một người sống ở Mễ-Tây-Cơ
lại nói là “Yo lo vi”. Tại sao vậy?
Khi học trong phần lớn các sách giáo
khoa tiếng Tây-Ban-Nha, các bạn thấy đại danh từ làm túc từ trực tiếp và gián
tiếp được liệt kê ra như sau:
Chúng ta thấy các đại danh từ này
được dùng để chỉ người, vật hay khái niệm. Sự khác nhau giữa các địa phương ngữ
xảy ra khi các đại danh từ trên được dùng theo thói quen của từng địa phương.
Theo nhà ngôn ngữ học ngưởi Tây-Ban-Nha Gili Gaya (1892-1976), có năm khuynh hướng
dùng đại danh từ như sau:
Khuynh hướng 1, còn
được gọi là Loísmo: Khuynh hướng này có đặc diểm là dùng lo
để chỉ cả người lẫn vật thuộc giống đực. Ví dụ, “Yo veo al hombre” (‘Tôi thấy người đàn ông’) có thể đổi thành “Yo lo
veo” (‘Tôi thấy ông ta’) và “Yo
veo el coche” (‘Tôi thấy chiếc xe’) cũng có thể đổi thành “Yo lo
veo” (‘Tôi thấy nó’). Khuynh hướng này có thể thấy ở miền nam Tây-Ban-Nha
và phần lớn Châu Mỹ La-Tinh.
Khuynh hướng 2,
còn được gọi là Leísmo: Khuynh hướng này có đặc điểm là dùng le
để chỉ một người đàn ông, la để chỉ một người đàn bà hay một vật
giống cái, và lo để chỉ một vật giống đực. Những ví dụ dưới đây cho thấy cách
dùng đại danh từ theo khuynh hướng này:
a. Yo
veo al hombre > Yo le veo.
b. Yo
veo el coche > Yo lo veo.
c. Yo
veo a la mujer > Yo la veo.
d. Yo
veo la casa > Yo la veo.
Nhìn
từ quan điểm xã hội, chúng ta có thể thấy khuynh hướng này có tính chất “kỳ thị
giới tính”. Những người theo khuynh hướng này (không biết vô tình hay hữu ý) chỉ
phân biệt giữa người và vật khi danh từ có liên quan đến người đàn ông. Còn khi
danh từ có liên quan đến người đàn bà hay một vật giống cái thì không thành vấn
đề! Khuynh hướng này được ghi nhận ở vùng Castilla ở Tây-Ban-Nha và một số vùng
ở Châu Mỹ La-Tinh.
Khuynh hướng 3, còn
được gọi là Laísmo: Khuynh hướng này có đặc điểm là dùng la để
chỉ về một người đàn bà, cho dù đại danh từ này có làm túc từ trực tiếp hay
gián tiếp. Cách dùng đại danh từ la này có thể thấy ở những vùng nông thôn miền trung Tây-Ban-Nha. Hãy
xem những ví dụ dưới đây:
a. Yo
veo al hombre > Yo le veo.
b. Yo
hablo con el hombre > Yo le hablo.
c. Yo
veo a la mujer > Yo la veo.
d. Yo
hablo con la mujer > (?) Yo la hablo.
Chúng ta có thể thấy rằng Khuynh Hướng 3
là đối nghịch với Khuynh Hướng 2, ở chỗ nó nhấn mạnh vai trò của người đàn bà,
dùng la
ngay cả lúc, theo văn phạm, đúng ra phải dùng le. Chính vì vậy mà một
câu như “Yo la hablo” có thể bị xem là “sai” trong tiếng Tây-Ban-Nha chuẩn
mực! Một câu nói có tính cách địa phương và có thể bị xem là sai văn phạm thường
có một dấu (?) phía trước để đánh dấu tình trạng “mập mờ về văn phạm” của nó.
Khuynh hướng 4: Khuynh
hướng này không mang một tên riêng như các khuynh hướng kể trên, và có đặc điểm
là chỉ dùng lo để chỉ về một khái niệm trừu tượng (chứ không phải là về người
hay vật). Khuynh hướng này được ghi nhận ở thủ đô Madrid của Tây-Ban-Nha.
a. Yo veo al hombre > Yo le veo.
b. Yo veo el coche > (?) Yo le veo.
c. Yo considero el asunto > Yo lo considero.
Khuynh hướng 5: Khuynh
hướng này cũng không mang tên riêng và có đặc điểm là hoàn toàn không dùng đại
danh từ le, dù là túc từ trực tiếp hay gián tiếp. Khuynh hướng này
không phổ biến lắm và có tính cách rải rác ở nhiều vùng khác nhau như Castilla,
Madrid và Cantabria.
a. Yo escribo una carta a la mujer
> (?) Yo la escribo una carta.
b. Yo escribo una carta al hombre >
(?) Yo lo escribo una carta.
Để tóm tắt, chúng ta hãy xem bản liệt
kê các đại danh từ xếp theo năm khuynh hướng kể trên. Muốn hiểu bảng này rõ
ràng, các bạn nhớ là các con số từ (1) đến (5) là các khuynh hướng, và các bạn
nhìn từ mỗi con số theo chiều dọc từ trên xuống dưới để xem các đại danh từ thường
dùng trong mỗi khuynh hướng là những chữ nào. Còn các chữ cái từ (a) đến (e)
bao gồm các ví dụ có chỗ trống là một gạch ngang. Các bạn hãy nhìn theo hàng
ngang và tuần tự điền đại danh từ vào chỗ trống trong ví dụ theo từng khuynh hướng
để xem trong cùng một ví dụ các khuynh hướng sử dụng đại danh từ khác hay giống
nhau ra sao.
- Loísmo (España del sur, Latinoamérica)
- Leísmo (Castilla, Latinoamérica)
- Laísmo (En el campo de España central)
- (--------) – Se usa LO solo para complemento directo del ELLO neutro. (Madrid)
- (--------) – Se elimina LE completamente. (Castilla, Madrid, Cantabria)
Cần nhớ rằng bài này có mục đích giúp các bạn có thể hiểu được cách dùng của đại danh từ theo nhiều khuynh hướng địa phương trong tiếng Tây-Ban-Nha, nếu các bạn gặp phải những người dùng nhiều dạng đại danh từ khác nhau như trên. Tuy nhiên, chính các bạn thì không cần phải “học” những cách dùng này! Cách hay nhất là chúng ta hãy học sử dụng nhuần nhuyễn những đại danh từ làm túc từ trực tiếp và gián tiếp một cách “chính thống”, chuẩn mực mà sách giáo khoa tiếng Tây-Ban-Nha trình bày. Hai bảng liệt kê hai loại đại danh từ này có sẵn cho các bạn ngay trong bài viết này. Chúc các bạn luôn hứng thú và thành công trong việc học tiếng Tây-Ban-Nha nhé :=)!
Trần C. Trí
Tài
liệu tham khảo
Butt, John &
Benjamin, Carmen, A New Reference Grammar of Modern Spanish, NTC Publishing Group, 1994.
Llerena, Mario,
Un manual de estilo, Ediciones Evangélicas
Internacionales, 1990.
Whitley, M. Stanley,
Spanish/English Contrast, Georgetown University Press, 2002.
No comments:
Post a Comment