Tiếng Tây-ban-nha không có nhiều dấu như tiếng Việt. Ngoài dấu [~] lúc nào cũng đi theo chữ ñ và dấu [..] nằm trên chữ ü (khi cần đọc âm [w] sau âm [g], ví dụ, cigüeña), còn lại một dấu duy nhất là dấu sắc như trong chính tả tiếng Việt (gọi là el acento escrito hay la tilde trong tiếng Tây-ban-nha). Kể như trong phần lớn các trường hợp chúng ta chỉ cần quan tâm đến một dấu mà thôi. Tuy nhiên, chỉ với cách dùng của một dấu đó thôi mà chúng ta cũng đủ nhức đầu rồi, phải không các bạn? Nếu chỉ cần dùng tiếng Tây-ban-nha để tiếp xúc thì không kể, còn nếu bạn là sinh viên hay nhân viên văn phòng có nhu cầu viết tiếng Tây-ban-nha, việc sử dụng dấu rất cần thiết. Ngay cả lúc đọc, dấu sắc cũng giúp chúng ta phân biệt ý nghĩa khác nhau của rất nhiều từ ngữ.
Những chữ sau đây nhờ vào dấu sắc mà diễn tả ý nghĩa rất khác nhau: continúo (động từ, có nghĩa là ‘tôi tiếp tục’), continuó (động từ, có nghĩa là ‘anh ấy đã tiếp tục’)
và continuo (tính từ, có nghĩa là ‘liên tục’). Đó
là chưa kể đến trọng âm của từng chữ cũng khác nhau khi đọc lên.
Trước khi xem qua một số quy luật chính trong việc dùng dấu sắc, chúng ta
cần biết một đặc điểm quan trọng trong cách phát âm tiếng Tây-ban-nha. Đặc điểm
đó là tiếng Tây-ban-nha là một thứ tiếng có trọng âm (như tiếng Anh). Trọng âm
nằm ở vần được nhấn mạnh trong một từ ngữ. Ví dụ như chữ mañana có trọng âm ở vần thứ hai, đọc là [mañana]. Từ ngữ trong tiếng Tây-ban-nha được chia làm bốn loại, căn cứ
theo trọng âm nằm ở vần nào.
Loại thứ nhất là những từ ngữ có trọng
âm nằm ở vần thứ nhì tính từ vần cuối
trở ngược lại. Loại từ ngữ này được gọi là las palabras llanas (hay graves).
Ví dụ: casa, pequeño, preparan, patatas… (các
vần có trọng âm được in đậm).
Loại thứ hai là những từ ngữ có trọng âm nằm ở vần cuối cùng. Loại
từ ngữ này được gọi là las palabras agudas. Ví dụ: ciudad,
imparcial, incorporar, internacional…
Loại thứ ba là những từ ngữ có trọng âm nằm ở vần thứ ba tính từ vần cuối
trở ngược lại. Loại từ ngữ này được gọi là las palabras esdrújulas. Ví dụ: sábado, simpático, parabólico, característica…
Loại thứ tư là những từ ngữ có trọng âm nằm ở vần thứ tư tính từ vần cuối
trở ngược lại. Những từ ngữ này được gọi là las palabras sobresdrújulas.
Ví dụ: cómpraselas, prepárenselo, interprétemelo… Thật ra, những chữ này là các dạng động từ ở dạng mệnh
lệnh được ghép vào với những đại danh từ nhân xưng. Tuy nhiên, luật chính tả
Tây-ban-nha đòi hỏi các dạng này phải được viết gộp lại thành một chữ nên chúng
ta vẫn phải xem đó như bất cứ từ ngữ đơn nào khác.
Biết được các loại từ ngữ dựa theo kiểu
nhấn trong âm rồi, bây giờ chúng ta đã có thể xét qua các quy luật chính của việc
sử dụng dấu sắc.
QUY LUẬT 1: Tất cả những từ ngữ llanas
phải chấm dứt bằng A, E, I, O, U, N, S.
Nếu chấm dứt bằng một trong những chữ khác, từ ngữ phải có dấu sắc nằm trên
nguyên âm mang trọng âm. Nếu xem lại những ví dụ trong phần palabras
llanas ở trên, chúng ta sẽ thấy những chữ đó đều chấm dứt bằng một
trong những 7 chữ cái cùa Quy luật 1 nên không phải mang dấu sắc. Ngược lại, những
chữ sau đây phải mang dấu sắc vì chấm dứt bằng những chữ cái khác: lápiz, difícil,
álbum, carácter…
QUY LUẬT 2: Tất cả những từ ngữ agudas
phải chấm dứt bằng những chữ cái không phải là A, E, I, O, U, N, S. Nếu chấm dứt bằng một trong các chữ cái đó, từ
ngữ phải mang dấu sắc trên nguyên âm mang trọng âm. Trong phần phân loại trọng
âm, chúng ta thấy những chữ agudas tận cùng bằng những chữ không
phải là A, E, I, O, U, N, S nên
không phải mang dấu sắc. Ngược lại, những chữ sau đây phải mang dấu sắc: allá,
bebé, aquí, aló, algodón, ananás...
QUY LUẬT 3: Đây là một luật rất dễ nhớ. Tất cả những
từ ngữ esdrújulas và sobresdrújulas đều luôn luôn mang dấu
sắc trên nguyên âm có trọng âm. Ví dụ: miércoles, sótano, véndemelo, dígaselo…
QUY LUẬT 4: Tất cả những nghi vấn từ (palabras interrogativas) và tán thán từ (palabras exclamativas) đều mang dấu sắc. Ví dụ: ¿Qué
es esto? ¿Dónde estamos? ¡Cómo me gusta esto! ¡Qué fantástico!
Để thấy dấu
sắc quan trọng như thế nào trong việc phân biệt vai trò văn phạm và ý nghĩa của
từ ngữ, chúng ta hãy xem những ví dụ sau đây:
¿Cómo está usted?: Cómo
là một trạng từ nghi vấn, nghĩa là ‘thế nào’.
¡Cómo me alegro!: Cómo
là một trạng từ tán thán, nghĩa là ‘làm sao!’.
Hay que hablar como ella: Como
là một liên từ, nghĩa là ‘như’.
QUY LUẬT 5: Trong một số cặp chữ một vần đồng âm, chữ
đọc nhấn mạnh trong câu nói mang dấu sắc, còn chữ đọc không nhấn mạnh vẫn giữ
nguyên dạng: Él (anh ấy) ~ El (loại từ xác định); Sí (vâng) ~ Si (nếu); Dé (hãy cho) ~ De (của, từ);
Tú
(anh, chị) ~ Tu (của anh, của chị); Mí (tôi) ~ Mi
(của tôi); Té (trà) ~ Te (anh)...
QUY LUẬT 6: Nếu hai nguyên âm (Mạnh/Yếu, Yếu/Mạnh, Yếu/Yếu
– Xin nhớ rằng A, O, E là nguyên âm mạnh và I,
U là nguyên âm yếu) nằm cạnh nhau mà không kết hợp thành một nhị trùng
âm, thì nguyên âm yếu mang dấu sắc để biểu hiện sự tách rời khỏi nguyên âm mạnh.
Còn nếu hai nguyên âm yếu nằm cạnh nhau thì nguyên âm thứ nhì mang dấu sắc: oír,
continúo, día, veintiún, huís...
Trần C. Trí
CHÚ THÍCH:
1.
Một số từ ngữ tận cùng bằng một phụ âm,
khi đổi sang số nhiều phải thêm E
trước khi thêm S, hay đổi sang giống cái phải thêm A, có nghĩa là có một vần nữa được thêm
vào. Việc thêm một vần vào một từ ngữ có thể làm thay đổi “loại trọng âm” của từ
ngữ đó, và có thể ảnh hưởng đến việc dùng dấu sắc trong những từ ngữ này. Ví dụ, joven
là một chữ llana, không cần dấu sắc
vì tận cùng bằng N. Khi đổi sang số
nhiều, chữ này trở thành jóvenes và mang dấu sắc, vì với dạng số nhiều, chữ
này đã trở thành một chữ esdrújula nên
phải mang dấu sắc theo Quy luật 3. Ngược lại, chữ alemán là một chữ aguda, phải mang dấu sắc theo Quy luật
2. Khi đổi sang giống cái, chữ này trở thành alemana và không còn mang dấu sắc
nữa. Đó là vì dạng giống cái này bây giờ đã trở thành một chữ llana và phù hợp với Quy luật 1.
2.
Một số tính từ loại llanas có mang dấu sắc, khi kết hợp với hậu tố -mente để trở thành trạng từ chỉ cách thức, vẫn giữ dấu sắc, mặc dầu
trên nguyên tắc trạng từ mới thành lập không còn mang trọng âm chính ở vần có dấu
sắc nữa mà là ở vần -men-: fácil > fácilmente,
rápido > rápidamente, difícil
> difícilmente...
No comments:
Post a Comment