Thursday, February 18, 2016

DẤU HAI CHẤM TRONG TIẾNG TÂY-BAN-NHA






Khi học tiếng Tây-ban-nha, chắc thỉnh thoảng các bạn cũng thấy một vài chữ có mang dấu này, ví dụ như cigüeña (con cò), pingüino (chim cánh cụt), vergüenza (sự xấu hổ), v.v. phải không các bạn?
Trước hết, dấu này gọi là la diéresis và được dùng trên nguyên âm u, sau phụ âm g và trước hai nguyên âm ei, tức là GÜEGÜI. Nhiệm vụ của dấu này là “nhắc nhở” chúng ta phát âm chữ u như là một bán nguyên âm (hay âm lướt), tương tự như âm [w] trong tiếng Anh vậy. Vần GÜE đọc như trong tên Gwen trong tiếng Anh, còn vần GÜI đọc như trong chữ linguist của tiếng Anh.
Trong cùng một kết cấu âm, nếu dấu diéresis không có trên chữ u thì chúng ta không phát âm nó, hay có thể nói đó là chữ u “câm”. Ví dụ như trong các chữ guerra (chiến tranh), guitarra (tây ban cầm), chúng ta phải phát âm vần GUE như chữ ghe trong tiếng Việt, và vần GUI như chữ ghi của tiếng Việt.
Các bạn có thể thắc mắc là tại sao viết u làm chi mà không đọc cho rắc rối vậy! Ấy là vì luật chính tả Tây-ban-nha ấn định rằng khi không có u giữa ge hay i thì hai kết cấu âm GEGI lại đọc như hai chữ khekhi trong tiếng Việt, ví dụ như gente (người ta) hay girasol (hoa hướng dương).
Mặt khác, khi u đứng trước a hay o thì không cần phải có dấu hai chấm mà vẫn phải đọc như [w], ví dụ như trong các chữ agua (nước) và antiguo (). Một ví dụ điển hình cho thấy sự khác nhau về chính tả giữa nhóm chữ nguyên âm a, o, u và nhóm e,i là hai chữ sau đây: Trong khi chữ agua (nước) không cần dấu hai chấm trên chữ u thì dạng “thu nhỏ” (diminutivo) hay thân mật của nó là agüita phải có dấu hai chấm, và cách phát âm của hai chữ không hề thay đổi.
Tóm lại, chữ u đọc là [w] trong các vần GÜE, GÜI, GUA, GUO, không đọc trong các vần GUE, GUI (và g trong các trường hợp này đọc như [g] trong tiếng Việt. Còn nếu vắng u, GE GI đọc như [kh] của tiếng Việt, và tất nhiên GA hay GO thì phát âm y như trong tiếng Việt, ví dụ gato (con mèo) và gota (giọt).
Bạn Lê Hoàng ở Sài Gòn hỏi là nguồn gốc của dấu diéresis có phải là từ tiếng Pháp không. Xin thưa là dấu này có gốc gác từ tiếng Đức và được gọi là Umlaut (um- có nghĩa là ‘chung quanh’, được dùng với nghĩa là ‘thay đổi’, và Laut trong tiếng Đức nghĩa là ‘âm’). Dấu Umlaut dùng để phân biệt các nguyên âm trong tiếng Đức, ví dụ như chữ a đọc là [a] trong danh từ Mann (đàn ông), còn chữ ä đọc như âm [e] trong tiếng Việt ở dạng số nhiều của danh từ này là Männer. Một số tiếng gốc Đức khác như Na-uy, Thuỵ Điển cũng có dấu Umlaut. Tiếng Hungary và Thổ-nhĩ-kỳ cũng có dùng dấu này.
Riêng trong tiếng Pháp thì dấu này được gọi là tréma và có một công dụng khác. Dấu tréma được dùng để ngắt một nguyên âm ra khỏi nguyên âm đứng trước để tránh chuyện phát âm hai nguyên âm đó thành một nhị trùng âm. Các bạn biết chữ Noël phải đọc thành hai vần là vì vậy. Có lúc, dấu tréma được dùng với âm e “câm” trong tính từ giống cái, ví dụ như chữ ambiguë (mập mờ). Lúc này thì dấu tréma có công dụng “giữ” chữ e lại, không cho nó được phát âm!
Nói chuyện ngôn ngữ thì không bao giờ hết, phải không các bạn? Hẹn các bạn vào một đề tài khác lần tới nhé.

Trần C. Trí


No comments:

Post a Comment