Friday, March 18, 2016

PHÂN LOẠI ĐỘNG TỪ TÂY-BAN-NHA THEO NGỮ PHÁP



Bài viết dựa theo câu hỏi của bạn LÊ HOÀNG (Sài Gòn)


          Động từ có thể được phân loại theo ngữ nghĩa (semántica), kết cấu (morfología) hay ngữ pháp (sintaxis). Bài này trình bày cách phân loại động từ theo ngữ pháp vì cách này thiết thực nhất cho người đang học tiếng Tây-ban-nha hơn là đang nghiên cứu sâu về thứ tiếng này. Động từ đóng vai trò chính yếu trong một câu và liên quan mật thiết đến những thành phần quan trọng khác trong câu như chủ từ (sujeto) và các loại túc từ khác nhau (objeto/complemento).  Dựa vào các thành phần mà động từ đòi hỏi, chúng ta có thể chia động từ ra làm các loại sau:

1. Verbos impersonales I (Động từ không ngôi – Loại I). Loại động từ này không có chủ từ và luôn luôn chia ở ngôi thứ ba số ít. Không có túc từ đi theo nhưng có thể có bổ ngữ (modificador) (nhưng không cần thiết).

Ø + Verbo impersonal I + (Modificador)
Ø Llueve mucho en esta temporada.
Mùa này trời mưa nhiều.

            Một số động từ khác trong nhóm này gồm nevar (tuyết rơi), lloviznar (mưa phùn), tronar (sấm sét), amanecer (hừng đông), v.v.

2. Verbos impersonales II (Động từ không ngôi - Loại II). Loại thứ hai này cần một túc từ không trực tiếp (objeto oblicuo) hay túc từ trực tiếp (objeto directo) đi theo.

Ø + Verbo impersonal II + Objeto oblicuo
Ø Hace [cinco años] que aprendo español.
Tôi học tiếng Tây-ban-nha được năm năm rồi.

            Một động từ không ngôi rất phổ biến trong loại này là haber (chia ở thì hiện tại là hay): Ø Hay [muchos libros] aquí.
            Cần phân biệt giữa một động từ không ngôi (không bao giờ có chủ từ) với một động từ có ngôi (verbo personal) nhưng có chủ từ hiểu ngầm. So sánh hai câu dưới đây:

            Ø Hace mucho calor. (Trời rất nóng)
            Mi mamá está en la cocina. (Ella) hace una comida especial.
(... Mẹ đang làm một bữa ăn đặc biệt)

3. Verbos pronominales (Động từ có đại danh từ). Các động từ trong nhóm này luôn luôn có một đại danh từ tự phản (pronombre reflexivo) kèm theo, nhưng không có ý nghĩa tự phản.

Sujeto + Pronombre reflexivo + Verbo pronominal
Ella se arrepintió.
Cô ấy đã sám hối.

            Một số động từ khác trong nhóm này là jactarse (khoe khoang), quejarse (than phiền), atreverse (dám), v.v.
            Cần phân biệt loại động từ trên với một số động từ thường nhưng có lúc lại đi với một đại danh từ tự phản để diễn tả một hành động mà chủ từ làm cho chính mình (thay vì làm cho người khác): Juan bañó al perrito (Juan tắm cho con chó) ~ Juan se bañó (Juan (tự) tắm).

4. Verbos transitivos I (Tha động từ - Loại I). Các động từ này cần một túc từ trực tiếp (objeto directo).

Sujeto + Verbo transitivo I + Objeto directo
Nosotros vimos [una buena película].
Chúng tôi xem một phim hay.

            Động từ thuộc loại này rất nhiều: amar (yêu), comer (ăn), comprar (mua), vender (bán), v.v.

5. Verbos transitivos II (Tha động từ - Loại II). Động từ thuộc loại này cần một túc từ trực tiếp (objeto directo) và một túc từ gián tiếp (objeto indirecto).

Sujeto + Verbo transitivo II + Objeto directo + Objecto indirecto
Papá le dio [dinero] [a Roberto].
Ba đưa tiền cho Roberto.

            Một số động từ khác trong nhóm này là mandar (gởi), escribir (viết), decir (bảo), v.v.

6. Verbos transitivos III (Tha động từ - Loại III). Các động từ loại này đòi hỏi một túc từ trực tiếp (objeto directo) và một túc từ không trực tiếp (objeto oblicuo).

Sujeto + Verbo transitivo III + Objeto directo + Objeto oblicuo
Ella invitó [a Felipe] [al cine].
Cô ấy mời Felipe đi xi-nê.

            Một số động từ trong nhóm này gồm poner (để, đặt), depositar (gởi vào), sacar (lấy ra), v.v.

7. Verbos transitivos IV (Tha động từ - Loại IV). Động từ loại này cần một túc từ trực tiếp (objeto directo) và một bổ túc từ (complemento) (thường là một danh từ hay tính từ) để chỉ về một đặc tính của túc từ trực tiếp.

Sujeto + Verbo transitivo IV + Objeto directo + Complemento
La gente eligió [a Juan] [presidente].
Dân chúng bầu Juan làm tổng thống.
El hombre hace [felices] [a sus amigos].
Ông ta làm bạn bè vui vẻ.

            Một số động từ trong nhóm này gồm considerar (xem như), dejar (để cho), causar (khiến), v.v.

8. Verbos copulativos (Động từ liên kết). Động từ loại này nối chủ từ (sujeto) với một bổ túc từ (complemento), cả hai có tính chất tương đương.

Sujeto + Verbo copulativo + Complemento
Yo soy [estudiante].
Tôi là sinh viên.
Ellas son [simpáticas].
Các cô ấy dễ mến.

            Một động từ thuộc loại này nữa là parecer (có vẻ như là).

9. Verbos intransitivos I (Tự động từ - Loại I). Loại thứ nhất này không cần túc từ gì cả.

Sujeto + Verbo intransitivo I
María trabaja duro.
María làm việc chăm chỉ.
El presidente ha muerto.
Ông tổng thống đã qua đời.

            Một số động từ trong nhóm này là nacer (sinh ra), vivir (sống), dormir (ngủ), v.v.

10. Verbos intransitivos II (Tự động từ - Loại II). Loại động từ này cần một túc từ không trực tiếp (objeto oblicuo).

Sujeto + Verbo intransitivo II + Objeto oblicuo
Los alumnos subieron [al autobús].
Các em học sinh lên xe buýt.

            Một số động từ khác trong nhóm này gồm ir (đi), venir (đến), salir (rời khỏi), costar (trị giá), pesar (cân nặng), estar (là, thì, ở), v.v.

11. Verbos intransitivos III (Tự động từ - Loại III). Loại động từ này đòi hỏi một túc từ gián tiếp (objeto indirecto).

Sujeto + Verbo intransitivo III + Objeto indirecto
Los niños les obedecen [a sus padres].
Các em vâng lời bố mẹ.

            Một số động từ khác trong nhóm này là gustar (thích), encantar (say mê), molestar (quấy rầy), importar (quan hệ đến), v.v.

            Tóm lại, những thành phần quan trọng trong một câu mà các động từ thuộc nhiều loại khác nhau đòi hỏi là:

-         Chủ từ (sujeto)
-         Túc từ trực tiếp (objeto directo)
-         Túc từ không trực tiếp (objeto oblicuo)
-         Túc từ gián tiếp (objeto indirecto)
-         Bổ túc từ (complemento)

Một thành phần khác trong câu rất thường xuất hiện nhưng lại không phải là thành phần cốt yếu (có thể bỏ đi mà không làm cho câu trở thành sai ngữ pháp), đó là bổ ngữ (modificador). Ví dụ dưới đây cho thấy có ba bổ ngữ như thế:

Ellos se fueron [juntos] [con mucha prisa] [a las siete de la tarde].
Họ cùng nhau vội vã ra đi vào lúc bảy giờ tối.

Câu này có thể chỉ là:

Ellos se fueron.
Họ ra đi.

Chắc có bạn sẽ thắc mắc, ‘túc từ không trực tiếp’ và túc từ gián tiếp’ khác nhau chỗ nào? Nghe hai tên gọi này có vẻ như đồng nghĩa với nhau vậy! Trước hết, chúng tôi xin thú thật là đã dịch chữ ‘objeto oblicuo” một cách rất gượng ép, vì ‘oblicuo’ có nghĩa là ‘xiên, chéo, chếch’ (hay cũng có nghĩa là ‘không thẳng’!). Nhưng nếu dùng những tên gọi như ‘túc từ xiên’, ‘túc từ chéo’ hay ‘túc từ chếch’ thì nghe cũng chẳng êm tai tí nào, phải không các bạn? Thật ra, tên gọi của một thực thể không quan trọng bằng bản chất hay vai trò của nó. Ở đây, chúng tôi có thể chỉ ra cho các bạn xem điểm khác nhau căn bản giữa hai loại túc từ này. Chúng ta hãy xem hai câu ví dụ dưới đây:

a.       Nosotros fuimos [a la Universidad de California]. (objeto oblicuo/túc từ không trực tiếp)
Chúng tôi học ở Đại Học California.
b.      Nosotros le enviamos una carta [a la Universidad de California]. (objeto indirecto/túc từ gián tiếp)
Chúng tôi gởi một lá thư cho Đại Học California.

            Điểm khác nhau giữa ‘túc từ không trực tiếp’ trong câu (a) và ‘túc từ gián tiếp’ trong câu (b) là một túc từ không trực tiếp thường được thay thế bằng một trạng từ (adverbio), trong khi một túc từ gián tiếp có thể được thay thế bằng một đại danh từ (pronombre), mặc dù nhóm chữ [a la Universidad de California] trong cả hai câu hoàn toàn giống nhau. Như vậy:

a.       Nosotros fuimos [allá]. (Trạng từ thay thế túc từ không trực tiếp)
b.      Nosotros [le] enviamos una carta. (Đại danh từ thay thế túc từ gián tiếp)

Một điều quan trọng khác mà chúng ta cần biết là một số động từ chỉ thuộc một loại, nhưng cũng có một số động từ khác có thể thuộc nhiều loại khác nhau, tuỳ theo cách dùng của chúng trong câu. Mời các bạn xem những ví dụ dưới đây:

a.       Hace buen tiempo. (Verbo impersonal II + objeto directo)
Trời rất đẹp.
b.      Él hace su tarea de español. (Verbo transitivo I + objeto directo)
Anh ấy làm bài tiếng Tây-ban-nha.
c.       Usted me hace feliz. (Verbo transitivo IV + objeto directo + complemento)
Cô làm tôi vui lắm.
d.      ¿Quién se hace abogado? (Verbo copulativo + complemento)
Ai trở thành luật sư?

Một đặc điểm ngữ pháp của tiếng Tây-ban-nha là vị trí của các thành phần chính yếu trong một câu rất uyển chuyển chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải là chủ từ + động từ + túc từ... Nếu chúng ta biết một động từ được dùng như loại nào thì sẽ nhận ra được luôn những thành phần chính đi theo nó, cho dù những thành phần đó có nằm ở bất cứ vị trí nào trong câu. Các bạn xem các ví dụ dưới đây:

a.       [Los estudiantes] Sujeto le entregaron [la tarea] Objeto directo [al profesor] Objeto indirecto.
Các sinh viên nộp bài cho giáo sư.
b.      [La tarea] se la entregaron [los estudiantes] [al profesor].
c.       [Al profesor] le entregaron [la tarea] [los estudiantes].
d.      Le entregaron [los estudiantes] [la tarea] [al profesor].
e.       Le entregaron [al profesor] [los estudiantes] [la tarea].
f.        Le entregaron [la tarea] [los estudiantes] [al profesor].
g.       Le entregaron [al profesor] [la tarea] [los estudiantes].
h.       ......................................................................................
i.         ......................................................................................

Thật nhiều chi tiết, phải không các bạn? Nhưng học ngoại ngữ thì phải kiên nhẫn, không vội vã được. Sau một đêm, các bạn thức dậy có thể trở thành triệu phú được vì mới trúng số! Nhưng chẳng có ai ngủ một đêm dậy, sáng hôm sau đã nói lưu loát tiếng Tây-ban-nha :=) Chúng ta hãy dùng hai câu sau đây để tự khuyến khích mình nhé: Từ từ mà nhặt hoa rơi, nhặt cho khôn khéo hơn người tài hoa!

Trần C. Trí


No comments:

Post a Comment