Saturday, November 22, 2014

CÁC HÌNH THỨC VĂN PHẠM CỦA ĐỘNG TỪ TIẾNG TÂY-BAN-NHA

          Có thể nói trong một câu, động từ là linh hồn của câu đó. Trong khi học tiếng Tây-ban-nha, các bạn đã thấy rõ sự khác nhau của động từ tiếng Việt và động từ tiếng Tây-ban-nha: Một bên thì đơn giản, không thay hình đổi dạng, còn một bên thì đổi theo ngôi, theo thời gian, số nhiều, số ít... ôi thôi thật nhiêu khê! Trong khi tiếng Việt dùng nhiều chữ phụ quanh một động từ để diễn tả thêm những ý nghĩa của một hành động thì trong tiếng Tây-ban-nha, một động từ có thể biến hoá thành nhiều dạng khác nhau để hàm chứa tất cả những ý nghĩa mà nó muốn diễn tả. Như vậy, khi nhìn vào một động từ tiếng Tây-ban-nha, chúng ta có thể thấy được những ý nghĩa văn phạm gì? Lấy động từ hablar làm ví dụ, chúng ta hãy lần lượt xét qua những hình thức văn phạm chính của động từ tiếng Tây-ban-nha như sau:

Wednesday, November 12, 2014

"H" - CUỘC HÀNH TRÌNH TIẾP NỐI


          Trong một bài trước, chúng ta đã đi theo cuộc hành trình lý thú của F H trong tiếng Tây-ban-nha. Khi F đã tạm dừng chân trong cuộc biến hoá không ngừng của ngôn ngữ, thì H lại vẫn tiếp tục cuộc hành trình riêng của mình, cho thấy thêm nhiều chi tiết thú vị trong quá trình tiến hoá của tiếng Tây-ban-nha.

Monday, November 10, 2014

CUỘC HÀNH TRÌNH LÝ THÚ CỦA "F" VÀ "H"


          Trong cả bảng mẫu tự tiếng Tây-ban-nha, tại sao bài này lại chọn FH để trình bày chung với nhau? Các bạn học ngôn ngữ và văn hóa Tây-ban-nha, có bao giờ thắc mắc tên của hai dòng họ Fernández Hernández có gì liên quan đến nhau không? Trước hết, hai họ này có nghĩa là 'con trai của ông Hernando hay ông Fernando', bắt nguồn từ tên gốc Đức là Ferdinand. Từ một tên trở thành hai tên, chỉ khác nhau bằng hai chữ đầu; tất cả bắt đầu bằng chữ f!

Tuesday, November 4, 2014

NGHỀ HAY NGHIỆP?

       Chúng ta chọn nghề hay nghề chọn chúng ta? Chắc các bạn đã hơn một lần tự hỏi mình câu hỏi đó. Lúc tôi còn là sinh viên ở Việt Nam, với bao nhiêu mộng ước cho ngày mai, tôi đã chuẩn bị trước cho một tương lai trong mộng của mình. Tôi mơ được đi ngoại quốc, được học hành đến nơi đến chốn.

Monday, November 3, 2014

LỚP HỌC TIẾNG TÂY-BAN-NHA "DÃ CHIẾN"


       Trước khi chính thức dạy tiếng Tây-ban-nha ở đại học, thực ra tôi có dạy "dã chiến" một lần rồi, từ khi còn...chưa tốt nghiệp đại học về ngành tiếng Tây-ban-nha lận! Số là sau khi vượt biên và được tàu Cap Anamur vớt đem vào Philippines, tôi ở đảo Palawan trong 8 tháng, rồi sau đó chuyển lên Bataan. Ở Palawan, tôi đi dạy tiếng Đức và tiếng Anh, kiếm mỗi tháng được 100 Pesos (khoảng 5 đô-la thời bấy giờ). Khi được phái đoàn Hoa-Kỳ nhận vào nước Mỹ, tôi được chuyển lên Bataan và làm assistant teacher (A.T.) trong lớp Cultural Orientation (C.O.) dành cho các đồng bào tị nạn để học tiếng Anh và văn hoá Mỹ trước khi đặt chân đến xứ sở tự do này. Mỗi tuần, tất cả các A.T. phải học một lớp dành riêng cho chúng tôi, để được huấn luyện thêm về nghiệp vụ của mình. Lớp này do cô giáo người Phi tên là Emmy Loanzon hướng dẫn. Các bạn A.T. đồng nghiệp với tôi là người Việt, người Miên, người Lào và Việt gốc Hoa. Chúng tôi là một nhóm nhỏ nên rất thân với nhau. Lúc bấy giờ tôi tình cờ kiếm được một cuốn sách giáo khoa dạy tiếng Tây-ban-nha ở trong trại. Cuốn sách đã sờn cũ, bìa long, giấy rách. Tôi phải dán băng keo lại cho tươm tất mới tạm dùng được. Tôi nảy ra ý hướng dẫn một lớp tiếng Tây-ban-nha cho các bạn đồng nghiệp với mình và được một số bạn hoan nghênh, sẵn sàng tham dự. Đây là lớp học hoàn toàn "dã chiến", của người biết chút ít hướng dẫn những người không biết gì hết! Sở dĩ tôi chọn tiếng Tây-ban-nha để hướng dẫn là vì ở Phi người dân nói tiếng Tagalog xen lẫn với tiếng Tây-ban-nha rất nhiều. Họ bị người Tây-ban-nha đô hộ cả 500 năm, đến nỗi đa số đều có họ Tây-ban-nha và ngữ vựng tiếng này thâm nhập vào tiếng Tagalog nhiều tựa như tiếng Pháp trong tiếng Việt vậy. Vả lại, chúng tôi nghe là bên Mỹ tiếng Tây-ban-nha rất thịnh hành. Thế là thầy trò bất đắc dĩ cùng nhau học tập. Tôi giảng cho các bạn những luật phát âm và văn phạm căn bản của tiếng Tây-ban-nha để mọi người làm quen với thứ tiếng mới mẻ này. Vốn liếng tự học của tôi hồi còn ở Việt Nam cũng tạm đủ để tôi trả lời những thắc mắc của các "học viên". Tôi dùng cuốn sách mới kiếm được để dựa vào soạn bài. Tôi chọn một bài hát mình biết để cùng các bạn tập hát. Đó là bài Historia de un amor mà đa số người Việt biết qua tiếng Việt hoặc tiếng Pháp. Vậy là cả lớp cùng đọc, viết, hát, thật vui. Học một thời gian ngắn ngủi vài tuần, lớp đã bế mạc! Chúng tôi có một buổi lễ "tốt nghiệp" hẳn hoi, như bức hình mà các bạn thấy ở đây. Tôi chỉ còn nhớ tên một số người trong hình mà thôi, vì đã lâu lắm rồi. Hàng đứng, trong ba cô gái thì tôi chỉ nhớ có Kiều Dung (bên trái, vì cô này  đi vượt biên trên cùng chuyến ghe của tôi!). Đứng trước bên trái là Quỳnh, ngồi cạnh là Phát, (một bạn không nhớ tên), tôi, Hoàng và Nồng. Xin lỗi những bạn tôi quên tên nhé! :=( Những ngày ở trại tị nạn Bataan thật khó quên, trong ký ức tôi còn văng vẳng lời hát mà tôi bày các bạn hát Ya no estás a mi lado, corazón, en el alma solo tengo soledad... Không biết các bạn trong lớp tiếng Tây-ban-nha dã chiến này có còn nhớ gì chăng?

Trần C. Trí

LẦN ĐẦU DẠY TIẾNG TÂY-BAN-NHA


       Ai mới đến Mỹ cũng nghĩ đến việc sống còn, cố tìm ra một việc làm, trước là để nuôi thân và sau là gởi ít nhiều về gia đình còn ở lại. Tôi cũng không là ngoại lệ, đi làm ở nhà băng ban ngày và học thêm ở đại học cộng đồng vào buổi tối. Tôi đi học vì tôi thích học chứ không dám nghĩ đến học để làm gì vì thấy học bán thời gian như vậy thì khi nào mới học xong chương trình hai năm rồi chuyển lên trường đại học. Tôi tự cho tôi… 10 năm để học xong chương trình hai năm này, nhưng nhờ chịu khó nên tôi chỉ mất có hai năm rưỡi mà thôi. Vào tới đại học, tôi vẫn còn loay hoay chưa biết chọn ngành chính là gì. Tôi biết là mình không thích và cũng không học nổi những ngành khoa học nên chỉ giới hạn mình trong những ngành văn khoa. Mới đầu tôi chọn ngành ngôn ngữ học tổng quát, sau đó đổi qua tiếng Anh, rồi lại định chọn tiếng Pháp, nhưng sau cùng tôi đã quyết định chọn ngành tiếng Tây-ban-nha, một ngành mà trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Trong lớp tôi chỉ có mình tôi là người Việt, còn lại là Mỹ, Tàu, Mễ, v.v. Suốt ba năm học ở đó, tôi chỉ quen được một cô bạn người Đài loan nhưng lớn lên ở Argentina, nói tiếng Tây-ban-nha lai giọng Ý! Học xong chương trình cử nhân, tuy kiến thức khá đầy đủ, tôi vẫn chưa nói lưu loát được tiếng Tây-ban-nha. Học xong rồi, tôi cũng chưa biết phải làm gì với mảnh bằng, vì ở California có hàng triệu người Mễ, kiến thức của tôi chẳng khác nào đám củi chở về rừng. Vậy là tôi nộp đơn vào trường khác, xin học tiếp tiếng Tây-ban-nha ở bậc cao học. Một liều ba bảy cũng liều. Có một điều tôi không nghĩ tới là sinh viên cao học ngoại ngữ phải dạy mỗi học kỳ một lớp để trau giồi khả năng và cũng để kiếm thêm tiền đi học. Dios mío! Tôi mà đi dạy tiếng Tây-ban-nha ư? Cũng may, khi được nhận vào trường rồi, tôi chưa phải dạy ngay vì đã xin được học bổng làm research assistant trong năm đầu tiên. Mùa hè trước khi tôi thực sự đứng trên bục giảng để dạy tiếng Tây-ban-nha ở một trong những đại học danh tiếng nhất thế giới là trường UCLA, tôi ráo riết tập luyện ngày đêm ở nhà. Tôi mua một tấm bảng nhỏ, soạn bài và đứng tập giảng một mình trước một lớp học tưởng tượng. Các trường đại học Mỹ rất khắt khe. Khi dạy một ngoại ngữ, ngay ngày đầu tiên là phải dùng ngoại ngữ đó từ đầu đến cuối, không dược dùng tiếng Anh. Dù có phải khoa tay múa chân cho sinh viên hiểu thì cũng phải chịu. Tôi luyện đi luyện lại các bài giảng của mình, soạn bài trước cả một mùa học cho chắc ăn. Cũng nhờ vậy mà những ngày làm thầy giáo đầu tiên của tôi không đến nỗi tệ lắm. Lúc đầu, sinh viên thấy người dạy tiếng Tây-ban-nha vừa bước vào lớp là một tên Á châu da vàng mũi tẹt, họ cũng ngỡ ngàng lắm. Nhưng thầy trò gần gũi nhau lâu cũng thành quen. Tôi chịu khó đem hình ảnh, trò chơi vào lớp thường xuyên để làm cho các bài học thêm sinh động. Cuối mùa học, các sinh viên thường phê bình thầy cô giáo dạy như thế nào. Khen cũng có mà chê cũng có, nhưng có một câu làm cho tôi còn nhớ mãi đến bây giờ. Đại khái sinh viên đó viết như thế này Đây là lớp học đầu tiên ở trường này đã làm cho tôi phải chờ đợi để đến học mỗi ngày. Ai có từng đi dạy mới thấm thía được rằng đây chính là món quà quý báu nhất mà một người thầy có thể nhận được.

Trần C. Trí

TIẾT MỤC VĂN NGHỆ BẰNG TIẾNG TÂY-BAN-NHA


       Những ngày học ở Cao đẳng Sư Phạm Nha Trang, ngành chính của tôi là tiếng Anh. Ở nhà, tôi tự học thêm nhiều thứ tiếng như Tây-ban-nha, Pháp và Đức, buổi tối lại đi học thêm tiếng Nga ở trường. Lúc ấy trường chỉ có hai khoa ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nga. Vào những dịp văn nghệ trong trường, các sinh viên tha hồ trình diễn những bài hát bằng tiếng Anh hay Nga, hoặc các vũ điệu có bài hát làm nền bằng hai thứ tiếng này. Để “chơi nổi” một chút, tôi rủ các bạn trong lớp chuẩn bị một tiết mục múa theo một bài hát tiếng Tây-ban-nha, lồng trong bối cảnh tiếng Anh cho đúng với bài bản. Bài hát mà chúng tôi dùng để múa là Rico vacilón (Vacilón, qué rico vacilón...). Chúng tôi có ba cặp để múa, ba trai ba gái. Lâu quá rồi nên tôi chỉ còn nhớ ba chàng trai là Đắc, Linh và tôi, còn bên gái thì tôi chỉ nhớ ra có Hoàng Thuý và Phương Loan, còn cô thứ ba thì hình như là Thu Loan thì phải (?). Bài hát theo thể điệu cha cha cha rộn ràng của các nước châu Mỹ La-tinh, và điệu vũ của chúng tôi rất được tán thưởng. Sau khi điệu vũ chấm dứt, tôi đóng vai đại diện của đoàn vũ phát biểu vài lời với khán giả bằng tiếng Tây-ban-nha, rồi Việt (một cô bạn trong lớp) dịch ra bằng tiếng Anh, rồi đến một bạn khác (xin lỗi, tôi lại không nhớ tên) dịch ra tiếng Việt. Trong hàng khán giả, có thầy Thiện dạy tiếng Anh và tiếng Nga, nhưng thầy biết cả tiếng Tây-ban-nha, nên thầy ngồi dưới cứ gật gù thích thú lắm. Còn đối với cả cử toạ còn lại, tiếng Tây-ban-nha ba rọi của tôi cũng đủ làm mọi người vô cùng thán phục, mặc dù nghe cứ như vịt nghe sấm, tôi có phát âm sai cũng no se sabe ! Lúc đó, tiếng Tây-ban-nha ở Việt Nam hiếm như lá mùa thu; tôi có dịp dùng trước cả trăm người, bảo sao không thích. Kỷ niệm thật đẹp. Bây giờ tôi vẫn còn giữ được một tấm hình nhỏ xíu chụp tôi lúc đang múa, thân hình mảnh khảnh thật lý tưởng chứ không phương phi, phúc hậu như ngày nay! Thầy Thiện bây giờ chắc lớn tuổi lắm rồi, không biết thầy còn hay mất. Đắc, Việt, Linh, Phương Loan còn ở Nha Trang. Thu Loan ở California. Riêng Hoàng Thuý thì đã mất tích cùng chồng trên một chuyến vượt biển tìm tự do. Tôi như vẫn còn nghe tiếng cười ròn rã đầy sức sống và niềm vui của Hoàng Thuý đâu đây.  

Trần C. Trí

NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI


      Ngày nay các bạn trẻ học ngoại ngữ thật là sung sướng, có đủ phương tiện kỹ thuật hỗ trợ – Nào Internet, nào ti-vi, radio, CD, DVD, smart phone, tablet, ôi thôi kể ra không hết. Những ngày xưa thân ái của tôi và các bạn cùng lứa thời thập niên 70-80, tuy êm đềm mà cũng vô cùng thiếu thốn. Tôi tự học tiếng Tây-ban-nha mà rất hiếm có dịp nghe thứ tiếng này đọc như thế nào. Thời đó có được một cái máy cassette hay máy quay dĩa cũ cũng thật khó khăn. Tôi chỉ có sách mà không có băng hay dĩa gì cả. Có một người quen thấy tôi tự học tiếng Tây-ban-nha nên đem đến tặng tôi một bộ dĩa hát dạy thứ tiếng này, của công ty chuyên dạy ngoại ngữ nổi tiếng bên Pháp ngày xưa tên là Linguaphone. Trong nhà tôi ở đâu còn sót lại một cái máy quay dĩa cũ mèm, đã hết chạy từ lâu. Tôi mang đến nhờ một người quen sửa, tốn một mớ tiền mà máy vẫn chạy tùm lum. Bộ dĩa thuộc loại tốc độ 78 rpm, quay nhanh như chong chóng, làm hư cả kim mà vẫn không nghe được. Thế là tôi dành phải học bằng…trí tưởng tượng, dĩ nhiên là không chính xác. Dạo đó, tôi nghe loáng thoáng tiếng Tây-ban-nha ở đâu đó chữ r đọc rung thật mạnh. Vậy là tôi cố đọc các chữ này rung hết cỡ. Sau này khi tôi vào đại học bên Mỹ, ông giáo sư dạy môn ngữ âm học Tây-ban-nha rất chịu khó, bắt chúng tôi phải thu giọng đọc của mình vào băng cassette để ông đem về nhà nghe và góp ý, sửa đổi cách đọc. Lúc đó tôi mới được biết rằng chữ r chỉ rung mạnh ở một số vị trí trong chữ hay câu nói, còn ở những vị trí khác thì chỉ rung nhẹ mà thôi. Lại nữa, các chữ b, d, g có chỗ thì đọc mạnh, có chỗ thì đọc nhẹ, ngày xưa tôi tự học, không có thầy mà cũng chẳng có băng, có dĩa, làm sao mà biết được! Bây giờ, bộ dĩa Linguaphone ngày xưa tôi vẫn còn giữ để làm kỷ niệm, tuy chưa bao giờ có dịp thực sự nghe đến chúng. Còn ông giáo sư ngày trước bây giờ là đồng nghiệp với tôi, dạy cùng trường ngày xưa tôi đã học ông. Hai thầy trò vẫn thường gặp nhau, khi thì ở nhà ông, khi thì ở tiệm ăn trưa cùng nhau. Tôi được dạy lại môn ngữ âm ngày xưa đã học với ông, cũng trong những phòng học nơi ngày trước tôi ngồi dưới hàng ghế học trò, mà giờ đây thì đứng trên bục giảng. Cuốn sách tôi dùng để dạy là do ông soạn ra. Hồi trước, tôi cũng dùng cuốn sách này để học, nhưng nó hãy còn là bản thảo mới soạn của ông, in thử để dùng trước khi chính thức xuất bản. Bộ dĩa vẫn còn đó, người thầy vẫn còn đây, tôi thì vẫn là học trò muôn thuở của ông, mà cũng đã là thầy của lứa sinh viên tuổi vừa mười tám, hai mươi. Cuộc sống thật lạ lùng. Có những điều đã đổi thay quá nhiều, mà cũng có những điều tựa như chưa bao giờ thay đổi!

Trần C. Trí

CÂU HỎI BA MƯƠI NĂM SAU MỚI ĐƯỢC TRẢ LỜI!



         Khi tôi bắt đầu tự học tiếng Tây-ban-nha ở Việt Nam thì đất nước còn trong thời kỳ đóng cửa đối với thế giới bên ngoài. Tôi không có băng dĩa để nghe tiếng Tây-ban-nha đọc ra làm sao. Một trong những thắc mắc đầu tiên của tôi là chữ -s ở cuối từ ngữ cũng “câm” như trong tiếng Pháp hay là đọc ra như trong tiếng Anh. Lúc ấy, tôi đang học khoa tiếng Anh ở Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang. Tôi được biết vợ của thầy hiệu trưởng trước đó có du học ở Cuba. Con gái của ông lại là giáo sư tiếng Anh của tôi. Một hôm, cô mời một số bạn tôi và tôi đến ăn cơm tối với cô và ba má cô, tức là vợ chồng thầy hiệu trưởng. Sau bữa cơm, mọi người nói chuyện về nhiều đề tài khác nhau. Tôi nói với cô hiệu trưởng là tôi đang tự học tiếng Tây-ban-nha và rất muốn biết chữ -s cuối từ ngữ có phát âm hay không. Cô trả lời loanh quanh, không rõ ràng. Khi ra về rồi, tôi vẫn chưa biết chữ đó có đọc hay không! Ít lâu sau tôi kiếm được băng cassette và dĩa hát, nghe qua thì biết rằng chữ -s có đọc. Tuy vậy, tôi lại có một thắc mắc khác là tại sao cô hiệu trưởng là người đã ở Cuba một thời gian lại không trả lời được câu hỏi có vẻ đơn giản này. Gần 20 năm sau, tôi học xong chương trình ngôn ngữ học tiếng Tây-ban-nha ở Mỹ, nhưng vẫn còn điều thắc mắc ngày xưa, và cũng quá bận rộn với công việc dạy học nên không có thì giờ ngồi xuống tự tìm câu trả lời. Rồi một hôm, khoảng 10 năm sau khi ra trường đi dạy, câu trả lời bỗng loé lên trong trí tôi như một tia nắng sáng! Hoá ra lâu nay, trong các lớp ngữ âm học, tôi vẫn thường giảng cho sinh viên mà không tự để ý, rằng cách đọc chữ -s ở cuối chữ của người Cuba là như âm [h] hoặc có khi là bỏ luôn, không phát âm gì cả! (Người ta thường nói Se comen las eses en Cuba ‘Ở Cuba  chữ -s bị nuốt’ là thế) Có lẽ là cô hiệu trưởng của tôi ngày đó ở Cuba đã nghe cả hai cách phát âm chữ -s, khi thì có, khi thì không. Thảo nào cô đã không có một câu trả lời rõ ràng. Các bạn có câu hỏi nào mà lâu nay vẫn chưa được trả lời thoả đáng hay không? :=)  

Trần C. Trí

NHỮNG CUỐN SÁCH TIẾNG TÂY-BAN NHA ĐẦU TIÊN CỦA TÔI



         Vào đầu thập niên 80, chỉ có một số ít người Việt Nam du học hay làm việc ở Cuba là biết tiếng Tây-ban-nha, còn đối với đa số người Việt trong nước, thứ tiếng của anh chàng hiệp sĩ Don Quixote vẫn còn khá xa lạ. Tôi chọn tiếng Tây-ban-nha để tự học vì nó gần gũi với tiếng Pháp. Phải tự học vì lúc đó không có trường lớp nào ở Nha Trang có dạy thứ tiếng này. Sách vở thì tôi phải kiếm ở những chỗ bán sách cũ còn lại từ trước 1975. Tôi còn nhớ cô bán sách cũ trên một chiếc xe ba-gác ở góc đường Yersin. Sách của cô trên dưới trăm cuốn, vậy mà khi tôi hỏi cô cuốn nào giá bao nhiêu thì cô trả lời cứ gọi là vanh vách. Tôi mua được cuốn L’espagnole sans peine của nhà xuất bản Assimil bên Pháp. Sách dạy bằng song ngữ, trang bên trái là tiếng Tây-ban-nha, còn trang bên phải là tiếng Pháp. Thật là nhất cử lưỡng tiện cho tôi, vừa học một thứ tiếng mới, vừa ôn lại tiếng cũ. Sách khai thác tối đa những điểm tương đồng giữa hai thứ tiếng về phát âm, ngữ vựng và văn phạm. Tôi còn nhớ như in câu đầu tiên của bài số 1 là Alberto va a París. Sao mà giống câu tiếng Pháp Albert va à Paris bên trang phải làm vậy! Tôi có đọc đâu đó rằng trí nhớ của con người hoạt động hữu hiệu nhất là khi chúng ta đang lơ mơ sắp chìm vào giấc ngủ. Tôi bèn thử áp dụng phương pháp này. Mỗi tối, khi đã yên vị trên giường, tôi đọc thuộc lòng một bài đối thoại hay kể chuyện trong sách. Tôi đọc đi đọc lại cho đến khi mắt trĩu xuống, cuốn sách rơi đánh bộp vì tôi đã ngủ lúc nào không hay. Sáng hôm sau, lúc có thì giờ ở nhà hay ở trong lớp học, tôi chép ra giấy bài vừa học thuộc lòng tối hôm trước. Sau đó, tôi làm phần bài tập, nhìn vào các câu tiếng Pháp rồi nói và viết ra bằng tiếng Tây-ban-nha. Làm xong rồi, tôi so lại với phần giải đáp trong sách để tự sửa. Cứ như thế, tôi học hết quyển sách. Học xong mà không có sách học tiếp, tôi đành học lại cuốn sách cũ một lần nữa. Một thời gian sau, tôi may mắn tìm được cuốn kế tiếp, La pratique de l’espagnol, ở một sạp bán sách cũ trong chợ Tạ Thu Thâu ở Sài Gòn, mừng như bắt được vàng. Lại cặm cụi học tiếp. Anh bạn thân yêu của tôi là Nguyễn Chính (hiện giờ là giáo sư toán ở Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang) lúc bấy giờ có dịp đi Hà Nội, kiếm mua đem về tặng tôi cuốn Diccionario español-vietnamita, tôi thích lắm. Cuốn từ điển đó đã được ba tôi mang theo qua mấy nghìn cây số cho tôi sau này, hiện đang nằm chễm chệ trên kệ sách của tôi ở Mỹ. Tủ sách ngoại ngữ của tôi hồi còn ở Việt Nam đã lên tới hơn cả ngàn cuốn, trong đó các cuốn sách giáo khoa, từ điển, truyện bằng tiếng Tây-ban-nha nằm xen lẫn với các cuốn bằng tiếng Anh, Đức, Pháp, Nga. Nhưng những cuốn sách đầu tiên mà tôi nói đến ở trên đã thực sự đưa tôi vào một thế giới giới mới, thế giới kỳ diệu của ngôn ngữ và văn hoá. Chúng như những hoài niệm tuyệt đẹp, và khó quên như người tình đầu tiên. Vốn liếng tự học tiếng Tây-ban-nha đã giúp tôi rất nhiều trong thời gian đầu đến Mỹ. Công việc đầu tiên ở xứ Cờ Hoa của tôi là thu ngân ở Bank of America, Beverly Hills. Khách hàng gốc Mỹ La-tinh rất thích đến cửa sổ của tôi vì ngoài tiếng Anh để giao dịch ra, họ còn có thể trao đổi với  tôi thêm vài câu chuyện bên lề bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Khi vào đại học, tôi ghi tên thẳng vào lớp Spanish 102, bỏ qua lớp 101 (như vậy tôi đã tiết kiệm được một mùa học 18 tuần, 5 tín chỉ và 25 đô-la – vì thuở đó mỗi tín chỉ có 5 đô-la thôi!). Xin cám ơn những cuốn sách tiếng Tây-ban-nha đầu tiên của tôi…

Trần C. Trí