Ai mới đến Mỹ cũng nghĩ đến việc sống còn, cố tìm ra một việc làm,
trước là để nuôi thân và sau là gởi ít nhiều về gia đình còn ở lại. Tôi
cũng không là ngoại lệ, đi làm ở nhà băng ban ngày và học thêm ở đại học
cộng đồng vào buổi tối. Tôi đi học vì tôi thích học chứ không dám nghĩ
đến học để làm gì vì thấy học bán thời gian như vậy thì khi nào mới học
xong chương trình hai năm rồi chuyển lên trường đại học. Tôi tự cho tôi…
10 năm để học xong chương trình hai năm này, nhưng nhờ chịu khó nên tôi
chỉ mất có hai năm rưỡi mà thôi. Vào tới đại học, tôi vẫn còn loay hoay
chưa biết chọn ngành chính là gì. Tôi biết là mình không thích và cũng
không học nổi những ngành khoa học nên chỉ giới hạn mình trong những
ngành văn khoa. Mới đầu tôi chọn ngành ngôn ngữ học tổng quát, sau đó
đổi qua tiếng Anh, rồi lại định chọn tiếng Pháp, nhưng sau cùng tôi đã
quyết định chọn ngành tiếng Tây-ban-nha, một ngành mà trước đây tôi chưa
bao giờ nghĩ đến. Trong lớp tôi chỉ có mình tôi là người Việt, còn lại
là Mỹ, Tàu, Mễ, v.v. Suốt ba năm học ở đó, tôi chỉ quen được một cô bạn
người Đài loan nhưng lớn lên ở Argentina, nói tiếng Tây-ban-nha lai
giọng Ý! Học xong chương trình cử nhân, tuy kiến thức khá đầy đủ, tôi
vẫn chưa nói lưu loát được tiếng Tây-ban-nha. Học xong rồi, tôi cũng
chưa biết phải làm gì với mảnh bằng, vì ở California có hàng triệu người
Mễ, kiến thức của tôi chẳng khác nào đám củi chở về rừng. Vậy là tôi
nộp đơn vào trường khác, xin học tiếp tiếng Tây-ban-nha ở bậc cao học.
Một liều ba bảy cũng liều. Có một điều tôi không nghĩ tới là sinh viên
cao học ngoại ngữ phải dạy mỗi học kỳ một lớp để trau giồi khả năng và
cũng để kiếm thêm tiền đi học. Dios mío! Tôi
mà đi dạy tiếng Tây-ban-nha ư? Cũng may, khi được nhận vào trường rồi,
tôi chưa phải dạy ngay vì đã xin được học bổng làm research assistant
trong năm đầu tiên. Mùa hè trước khi tôi thực sự đứng trên bục giảng để
dạy tiếng Tây-ban-nha ở một trong những đại học danh tiếng nhất thế giới
là trường UCLA, tôi ráo riết tập luyện ngày đêm ở nhà. Tôi mua một tấm
bảng nhỏ, soạn bài và đứng tập giảng một mình trước một lớp học tưởng
tượng. Các trường đại học Mỹ rất khắt khe. Khi dạy một ngoại ngữ, ngay
ngày đầu tiên là phải dùng ngoại ngữ đó từ đầu đến cuối, không dược dùng
tiếng Anh. Dù có phải khoa tay múa chân cho sinh viên hiểu thì cũng
phải chịu. Tôi luyện đi luyện lại các bài giảng của mình, soạn bài trước
cả một mùa học cho chắc ăn. Cũng nhờ vậy mà những ngày làm thầy giáo
đầu tiên của tôi không đến nỗi tệ lắm. Lúc đầu, sinh viên thấy người dạy
tiếng Tây-ban-nha vừa bước vào lớp là một tên Á châu da vàng mũi tẹt,
họ cũng ngỡ ngàng lắm. Nhưng thầy trò gần gũi nhau lâu cũng thành quen.
Tôi chịu khó đem hình ảnh, trò chơi vào lớp thường xuyên để làm cho các
bài học thêm sinh động. Cuối mùa học, các sinh viên thường phê bình thầy
cô giáo dạy như thế nào. Khen cũng có mà chê cũng có, nhưng có một câu
làm cho tôi còn nhớ mãi đến bây giờ. Đại khái sinh viên đó viết như thế
này Đây là lớp học đầu tiên ở trường này đã làm cho tôi phải chờ đợi để đến học mỗi ngày. Ai có từng đi dạy mới thấm thía được rằng đây chính là món quà quý báu nhất mà một người thầy có thể nhận được.
Trần C. Trí
No comments:
Post a Comment