Ngày nay các bạn trẻ học ngoại ngữ thật là sung sướng, có đủ phương
tiện kỹ thuật hỗ trợ – Nào Internet, nào ti-vi, radio, CD, DVD, smart
phone, tablet, ôi thôi kể ra không hết. Những ngày xưa thân ái của tôi
và các bạn cùng lứa thời thập niên 70-80, tuy êm đềm mà cũng vô cùng
thiếu thốn. Tôi tự học tiếng Tây-ban-nha mà rất hiếm có dịp nghe thứ
tiếng này đọc như thế nào. Thời đó có được một cái máy cassette hay máy
quay dĩa cũ cũng thật khó khăn. Tôi chỉ có sách mà không có băng hay dĩa
gì cả. Có một người quen thấy tôi tự học tiếng Tây-ban-nha nên đem đến
tặng tôi một bộ dĩa hát dạy thứ tiếng này, của công ty chuyên dạy ngoại
ngữ nổi tiếng bên Pháp ngày xưa tên là Linguaphone.
Trong nhà tôi ở đâu còn sót lại một cái máy quay dĩa cũ mèm, đã hết
chạy từ lâu. Tôi mang đến nhờ một người quen sửa, tốn một mớ tiền mà máy
vẫn chạy tùm lum. Bộ dĩa thuộc loại tốc độ 78 rpm, quay nhanh như chong
chóng, làm hư cả kim mà vẫn không nghe được. Thế là tôi dành phải học
bằng…trí tưởng tượng, dĩ nhiên là không chính xác. Dạo đó, tôi nghe
loáng thoáng tiếng Tây-ban-nha ở đâu đó chữ r
đọc rung thật mạnh. Vậy là tôi cố đọc các chữ này rung hết cỡ. Sau này
khi tôi vào đại học bên Mỹ, ông giáo sư dạy môn ngữ âm học Tây-ban-nha
rất chịu khó, bắt chúng tôi phải thu giọng đọc của mình vào băng
cassette để ông đem về nhà nghe và góp ý, sửa đổi cách đọc. Lúc đó tôi
mới được biết rằng chữ r chỉ rung mạnh ở một số vị trí trong chữ hay câu nói, còn ở những vị trí khác thì chỉ rung nhẹ mà thôi. Lại nữa, các chữ b, d, g
có chỗ thì đọc mạnh, có chỗ thì đọc nhẹ, ngày xưa tôi tự học, không có
thầy mà cũng chẳng có băng, có dĩa, làm sao mà biết được! Bây giờ, bộ
dĩa Linguaphone ngày xưa tôi vẫn còn giữ để làm kỷ niệm, tuy chưa bao
giờ có dịp thực sự nghe đến chúng. Còn ông giáo sư ngày trước bây giờ là
đồng nghiệp với tôi, dạy cùng trường ngày xưa tôi đã học ông. Hai thầy
trò vẫn thường gặp nhau, khi thì ở nhà ông, khi thì ở tiệm ăn trưa cùng
nhau. Tôi được dạy lại môn ngữ âm ngày xưa đã học với ông, cũng trong
những phòng học nơi ngày trước tôi ngồi dưới hàng ghế học trò, mà giờ
đây thì đứng trên bục giảng. Cuốn sách tôi dùng để dạy là do ông soạn
ra. Hồi trước, tôi cũng dùng cuốn sách này để học, nhưng nó hãy còn là
bản thảo mới soạn của ông, in thử để dùng trước khi chính thức xuất bản.
Bộ dĩa vẫn còn đó, người thầy vẫn còn đây, tôi thì vẫn là học trò muôn
thuở của ông, mà cũng đã là thầy của lứa sinh viên tuổi vừa mười tám,
hai mươi. Cuộc sống thật lạ lùng. Có những điều đã đổi thay quá nhiều,
mà cũng có những điều tựa như chưa bao giờ thay đổi!
Trần C. Trí
No comments:
Post a Comment