Wednesday, November 12, 2014

"H" - CUỘC HÀNH TRÌNH TIẾP NỐI


          Trong một bài trước, chúng ta đã đi theo cuộc hành trình lý thú của F H trong tiếng Tây-ban-nha. Khi F đã tạm dừng chân trong cuộc biến hoá không ngừng của ngôn ngữ, thì H lại vẫn tiếp tục cuộc hành trình riêng của mình, cho thấy thêm nhiều chi tiết thú vị trong quá trình tiến hoá của tiếng Tây-ban-nha.
Lúc mới bắt đầu học thứ tiếng này, chắc không ít các bạn đã tự hỏi, hay thậm chí kêu ca nên lời, rằng chữ H dùng để làm chi nếu không đọc lên, thật là một điều phiền phức vô ích. Ngay cả những người nói tiếng Tây-ban-nha là tiếng mẹ đẻ cũng bị hiện tượng này làm rối trí. Một số chữ không có chữ H mà họ cũng viết là có, vì viết vào cũng không đọc nên họ không biết là là đã viết sai! Ví dụ  chữ así ('như thế') có rất nhiều người viết là *hací. Hay ngược lại, chữ có H như hace thì lại bị viết là *ase. (Các bạn có thể thấy còn có sự lẫn lộn giữa c s nữa; đề tài thú vị cho một bài kế tiếp!). Tuy nhiên, đọc hết bài này, các bạn sẽ thấy H có một vai trò quan trọng và có ý nghĩa chứ không vô dụng như chúng ta nghĩ.
          Trở lại lúc ban đầu, tưởng cũng nên nhắc lại rằng tiếng Tây-ban-nha chưa hề có âm /h/ trong hệ thống âm thanh, và vì vậy cũng không có chữ H trong chính tả. Thoạt kỳ thuỷ, chữ F của tiếng La-tinh và âm của nó đã dần dần cấu tạo nên âm [h] trong thời kỳ phôi thai của tiếng Tây-ban-nha (thế kỷ XIII). Sự tiến hoá ban đầu của nó được tóm tắt lại như sau:

          F = /ф/ > [h] (trừ khi đứng trước [w] [r])
               
          Ví dụ: FARĪNA đọc là [harína]

          Từ chỗ chỉ là một biến âm (allophone), [h] dần dần trở thành một âm chính (phoneme), được gia nhập hệ thống âm chính thức của tiếng Tây-ban-nha. Tuy nhiên, khi đạt được địa vị của một âm chính thức, /h/ phải chịu một số phận nghiệt ngã là bị loại bỏ đi trong hệ thống âm, chỉ sau ba thế kỷ tồn tại (XIII-XVI). Tuy ra đi, âm /h/ đã để lại một vết tích mà đến tận ngày nay vẫn chưa bị xoá nhoà, đó chính là chữ H trong chính tả tiếng Tây-ban-nha. Vào thời kỳ cuối của âm /h/, chính tả tiếng Tây-ban-nha đã kịp thời thêm vào chữ H để thay thế chữ F trong những từ ngữ nào viết là F mà đọc là /h/. Âm đã mất đi nhưng chữ vẫn còn đó. Thế là âm /h/ của chúng ta đã rơi vào trường hợp "Thác là thể phách, còn là tinh anh"!
         Âm /h/ đã mất đi trong tiếng Tây-ban-nha chuẩn mực, nhưng vẫn còn sống sót trong một số phương ngữ ở cả bán đảo Iberia và châu Mỹ la-tinh. Chữ H trong các từ ngữ như hablar, hay, helado, v.v. vẫn còn được phát âm ở những miền thôn quê ở vùng Extremadura, miền đông Andalusia, v.v.
           Thế nhưng chữ H và âm /h/ không những không chịu biến mất hoàn toàn trong tiếng Tây-ban-nha mà còn "xuất hiện" trong nhiều trường hợp khác. Trước hết, phải kể đến âm /h/ trong những chữ như joven, gente, México, v.v. ở nhiều nước châu Mỹ La-tinh. Trong tiếng Castellano tiêu chuẩn, những chữ j, g (trước e i) hay x (trong một số trường hợp) được đọc là âm /x/ (như KH trong tiếng Việt, X trong tiếng Nga hay CH trong tiếng Đức). Ở nhiều nước châu Mỹ La-tinh, âm /x/ đã được thay thế bằng âm /h/ trong hệ thống âm chính thức của tiếng Tây-ban-nha của các nước này. Như vậy có thể nói, âm /h/ (phát xuất từ F của La-tinh đã "chết" đi, nhưng đã "sống lại" bằng cách thay thế âm /x/.
          Một âm [h] khác cũng xuất hiện trong tiếng Tây-ban-nha của vùng biển Caribe, nhất là ở Cuba. Trong phương ngữ này, chữ -s ở cuối một vần thường được biến thành âm [h]. Như vậy, một câu hỏi như ¿Cómo está usted? sẽ nghe như  là ¿Cómo ehtá uhted?. Nhiều nơi còn bỏ luôn âm [h] này, khiến câu hỏi trên trở thành ¿Cómo etá uted? Các bạn thấy không, số phận của âm [h] sao mà nghiệt ngã, chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần trong tiếng Tây-ban-nha.
          Đó là nói về âm /h/. Còn chữ H thì sao? Như ta đã biết, âm /h/ của thế kỷ XIII-XVI đã biến mất, nhưng những từ ngữ có âm này vẫn còn giữ chữ H cho đến bây giờ. Chúng ta hãy tạm gọi chữ H này là chữ H (1). Nói như vậy thì hoá ra còn một chữ H khác nữa sao? Xin thưa là đúng vậy! Các bạn có để ý trường hợp của những từ ngữ mà trong đó có dạng viết không có chữ H trong khi những dạng khác lại có chữ H không? Lấy ví dụ với động từ oler ('ngửi'). Khi chia động từ này trong thì hiện tại chỉ định cách với ngôi thứ nhất số ít, chúng ta có yo huelo. Hay danh từ huevo ('trứng') có H, trong khi tính từ của nó lại là oval, không có chữ H! Câu hỏi cần được đặt ra ở đây là tại sao những chữ có cùng một nguồn gốc, khi biến dạng lại mang thêm chữ H? Chữ H này ở đâu ra và làm nhiệm vụ gì? Rõ ràng là chữ H này không có liên quan gì đến chữ H (1), nếu chúng ta truy tìm nguồn gốc của những từ ngữ đó trong tiếng La-tinh. Muốn hiểu tại sao có loại chữ H này, đầu tiên, chúng ta hãy tìm hiểu một hiện tượng ngữ âm có tính chất quyết định đối với sự xuất hiện của nó. Trong quá trình tiến hoá từ cách phát âm la-tinh đến cách phát âm Tây-ban-nha, có một hiện tượng ngữ âm gọi là Nhị trùng âm hoá. trong đó nguyên âm Ǒ (o ngắn) của tiếng La-tinh biến thành nhị trùng âm UE trong tiếng Tây-ban-nha khi nằm vào vị trí có trọng âm. Theo đó, âm /o/ trong dạng động từ nguyên mẫu oler không thay đổi vì nó không nằm trong vị trí có trọng âm. Trong khi đó, khi chia động từ này ở ngôi thứ nhất số ít ở thì hiện tại, âm /o/ rơi vào vị trí có trọng âm, và lập tức biến thành nhị trùng âm [we], mà trong chính tả viết là UE. Đến đây thì có một luật chính tả được áp dụng. Luật này ấn định rằng một từ ngữ không được bắt đầu bằng nhị trùng âm UE mà phải cần đến chữ H để "che" nó lại! Cái hay ở chỗ dùng chữ H là chữ này vốn không còn được đọc ra nữa, nên có dùng nó cho từ ngữ trông được "thẩm mỹ" hơn thì cũng không làm thay đổi cách đọc của chữ đó. Vì thế mà phải viết là huelo chứ không phải là *uelo. Cũng cần nhớ rằng một trong những tính chất của chính tả là 'tuỳ tiện', nên luật này có lý hay không cũng chẳng thành vấn đề. Loại chữ H thứ hai này, chúng ta hãy gọi nó là chữ H (2). Bây giờ thì các bạn đã biết là trong tiếng Tây-ban-nha có hai loại chữ H!
          Tóm lại, từ lúc đầu cho tới nay, tiếng Tây-ban-nha (tiêu chuẩn hay địa phương) đã có ba âm [h] từ ba nguồn khác nhau và hai chữ H từ hai nguồn khác nhau. Xét lại, ta thấy chữ H đâu có vô nghĩa. Sự xuất hiện nào của nó cũng có duyên cớ. Không những không vô nghĩa, chữ H cũng không hề vô dụng nữa. Nó giúp phân biệt những cặp chữ đồng âm, dị nghĩa. Ví dụ như ola có nghĩa là 'sóng', còn hola là 'chào'. Hay abran là một dạng của động từ abrir, còn habrán là một dạng của động từ haber. Cũng có thể, trong sự tiến hoá không ngừng của ngôn ngữ, một ngày nào đó chữ H (hay âm [h]) sẽ lại ra đi, như nó đã từng đến. Nhưng chắc chúng ta cũng nên hát tặng nó một câu đầy ân tình, "Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người. Tạ ơn ai đã đưa em về chốn này, tôi xây mãi cuộc vui".

Trần C. Trí 

No comments:

Post a Comment