Tuesday, November 4, 2014

NGHỀ HAY NGHIỆP?

       Chúng ta chọn nghề hay nghề chọn chúng ta? Chắc các bạn đã hơn một lần tự hỏi mình câu hỏi đó. Lúc tôi còn là sinh viên ở Việt Nam, với bao nhiêu mộng ước cho ngày mai, tôi đã chuẩn bị trước cho một tương lai trong mộng của mình. Tôi mơ được đi ngoại quốc, được học hành đến nơi đến chốn.
Sau này, tôi được xem cuốn phim Pretty Woman, trong đó cô gái giang hồ (do Julia Roberts đóng) hỏi ông doanh nhân giàu có (do Richard Gere đóng) về trình độ học vấn của ông ta. Ông này trả lời: "I went all the way!" Nghĩ lại, đó cũng chính là mơ ước của tôi khi còn trong nước. Tôi mơ được đến một xứ sở tự do, trong đó quyền tự do học hành được bảo đảm, để tôi có thể "go all the way" như nhân vật của Richard Gere vậy. Ngay từ nhỏ, tôi đã biết mình sau này lớn lên làm nghề gì. Khoảng 7, 8 tuổi, tôi đã muốn làm thầy giáo. Tôi thường tìm đủ mọi cách để "dụ" những đứa bạn hàng xóm làm học trò của tôi; năn nỉ có, mua chuộc có, mà hăm dọa cũng có! Tôi cũng đã  biết rõ mình sẽ làm thầy dạy môn gì. Đó là môn ngôn ngữ, là đam mê số một của tôi từ xưa, đến nay vẫn chưa bao giờ thay đổi. Có chăng chỉ càng ngày càng sâu đậm hơn mà thôi. Thuở trung học, trong khi những đứa bạn cùng lứa của tôi hân hoan về nhà sau giờ học buổi chiều để cùng gia đình có bữa cơm đầm ấm, tôi lại ghé một xe bánh mì thịt để mua một khúc, gọi là ăn bữa chiều, để lại tiếp tục đi học thêm tiếng Anh hay tiếng Pháp buổi tối. Hôm nào giàu thì tôi ăn bánh mì thịt hẳn hoi. Hôm nào túi vơi đi thì tôi ăn bánh mì chan nước, nghĩa là bánh mì không mà cô bán hàng dè xẻn chan thêm tí nước thịt vào cho có thêm mùi vị, kèm theo vài cọng ngò và một hai lát dưa leo. Vậy đó, sau bữa "cơm chiều" đạm bạc, tôi đã say mê đi học thêm vào buổi tối, không hề biết mỏi mệt, mà gia đình cũng không khi nào khuyến khích tôi nên làm như thế. Vào đại học, tôi chọn ngành sư phạm tiếng Anh. Ngoài giờ học ở trường, tôi đi học thêm tiếng Nga buổi tối, rồi mua sách tự học tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây-ban-nha và tiếng Esperanto (thế giới ngữ) ở nhà. Tôi như lạc vào xứ sở thần tiên, kỳ diệu của ngôn ngữ. Tôi chia thời khóa biểu một tuần ra thành những ngày, giờ khác nhau; khi nào học thứ tiếng nào, học nhiều như vậy mà không ngán, không lẫn lộn tiếng nọ qua tiếng kia. Thế mới biết, một khi đã đam mê điều gì thì có khó nhọc mấy ta cũng vui vẻ mà làm. Trong cuốn sách tiếng Đức L'Allemand sans peine của tôi có một câu mà tôi vô cùng ưng ý và vẫn còn nhớ đến bây giờ. Câu đó là Das Sprachenlernen ist mir ein Zeitvertreib und nicht eine Arbeit ('Học ngôn ngữ đối với tôi là một thú tiêu khiển chứ không phải là một công việc'). Trong những lúc ngồi học, tôi thường thả hồn bay bổng theo những mộng mơ của mình. Tôi dặn lòng là nếu mình ra được ngoại quốc thì phải theo một kế hoạch sắp sẵn. Cứ đến một nước nào đó thì tôi sẽ đi học một thứ tiếng khác với tiếng của nước đó để sau này ra đi dạy hoc. Thí dụ như nếu tôi đến Pháp thì tôi sẽ học tiếng Đức, hay nếu đến Đức tôi sẽ học tiếng Tây-ban-nha, v.v. Vì tôi nghĩ rằng thứ tiếng của nước đó mình không cần phải học chính thức. Tất cả các môn học đều sẽ được giảng dạy bằng thứ tiếng đó; và tôi sẽ tiếp xúc với mọi người trong xã hội đó bằng thứ tiếng đó hằng ngày, tại sao phải chọn nó làm ngành học chính làm chi nữa? Tuy nhiên, tương lai vẫn còn là một ẩn số, nên tôi cứ việc học hết những ngôn ngữ mà mình đã chọn. Học và chờ thời. Rồi một hôm, thời cơ ấy đã đến. Chuyến ghe vượt biên của chúng tôi đi từ Nhà Bè còn đang chạy trong hải phận Việt Nam thì xa xa thấy thấp thoáng một con tàu dường như là của bọn hải tặc Thái Lan. Cả ghe náo loạn hẳn lên. Một vài phụ nữ đã sẵn sàng nuốt vào bụng một số nữ trang mang theo. Đã vậy,  gầm ghe bỗng bốc cháy, không hiểu vì sao. Trong giây phút nguy ngập đó, một phép lạ đã xảy ra. Chiếc tàu chuyên đi vớt người tị nạn mang tên Cap Anamur, do hội Y Sĩ Không Biên Giới và tiến sĩ người Đức tên Rupert Neudeck điều hành, đột nhiên hiện ra như một điều huyền diệu. Họ thả xuống một chiếc ca-nô nhỏ với vài nhân viên đi theo, cầm loa phóng thanh kêu gọi chúng tôi bình tĩnh, chờ họ đến cứu. Chiếc tàu hải tặc thấy sự có mặt của chiếc Cap Anamur bèn lảng ra xa, biến mất trên đại dương mênh mông. Thế rồi từng người một trên chiếc ghe 96 người của chúng tôi được đưa lên tàu lớn. Khi tất cả đã lên boong an toàn, nhân viên trên tàu cho phóng hỏa chiếc ghe của chúng tôi. Từ trên boong tàu, tôi và mọi người bùi ngùi đứng nhìn chiếc ghe nhỏ bé đã mang chúng tôi ra vùng tự do đang từ từ cháy rồi chìm hẳn xuống lòng đại dương sâu thẳm.
          Lên tàu rồi, chúng tôi bắt đầu sinh hoạt như một xã hội thu nhỏ. Trước và sau chúng tôi còn có những người vượt biên khác cũng được cứu vớt lên đây. Tổng cộng, chúng tôi đã ở trên tàu một tháng trời, trước khi tàu cập bến Puerto Princesa, thuộc đảo Palawan của Philippines. Trên tàu, tôi bắt đầu hăng say nhập cuộc vào một lối sống tự do, vô cùng mới mẻ. Tôi xin vào làm thông dịch viên cho một bác sĩ người Pháp ở "bệnh xá" dã chiến trên tàu. Đây là lần đầu tiên tôi được sử dụng tiếng Pháp với một mục đích thực dụng. Sau những giờ làm trong phòng khám bệnh, vị bác sĩ Pháp thường đứng bên lan can boong tàu nói chuyện với tôi, trong khi chiếc tàu vẫn mải miết rẽ sóng trên đại dương bốn bề bát ngát, không biết đâu là bến bờ. Vốn liếng tiếng Pháp của tôi không đến nỗi tệ, nhưng dùng để nói với một người Pháp chính gốc lần đầu tiên trong đời, tôi không luống cuống sao được. Tôi đã từng học rất rõ trong văn phạm của Pháp, động từ nào phải chia với être, động từ nào phải chia với avoir trong thì passé composé. Thế mà thần hồn nát thần tính sao đó, trong một câu nói, tôi bảo J'ai venu. Vị bác sĩ nhẹ nhàng ngắt lời tôi và từ tốn sửa lại là Je suis venu. Tôi ngượng chín cả người vì cái lỗi mà đúng ra mình không nên phạm đó. Cũng may là tôi chưa thông dịch sai cho bệnh nhân nào trên tàu để phải xảy ra điều gì đáng tiếc cả! Ngoài giờ ăn uống ngủ nghỉ ra, nhân viên trên tàu thường tổ chức những sinh hoạt khác nhau cho mọi người đỡ chán. Một trong những sinh hoạt đó là các lớp ngoại ngữ do nhân viên trên tàu giảng dạy. Dưới những cái lều dựng lên trên boon tàu nắng gắt, có lớp dạy tiếng Anh, có lớp dạy tiếng Pháp hay tiếng Đức. Tôi được tuyển vào lều dạy tiếng Đức để làm thông dịch viên cho những học viên chọn học thứ tiếng này. Đến lúc đó, tôi tưởng chừng như tiếng Đức đã trở thành một "định mệnh" cho tôi. Bao nhiêu năm tháng ôn luyện ở Việt Nam, tôi đâu  ngờ có một ngày tôi được dùng nó trên một chiếc tàu do một người Đức điều hành. Thấy tôi đang học tiếng Đức, một cô y tá người Đức trên tàu có tặng cho tôi một cuốn từ điển Đức-Anh làm kỷ niệm mà đến bây giờ tôi vẫn còn giữ.



  
       Vào đến trại tị nạn Palawan, tôi lại tiếp tục mối duyên với tiếng Đức. Số là tất cả những thuyền nhân được tàu Cap Anamur vớt đều tự động được phép nhập cảnh vào ba nước mà chính phủ đồng ý đứng ra bảo trợ: Đức, Pháp và Bỉ. Khi đã tạm ổn định trong trại tị nạn, các thuyền nhân bắt đầu cắp sách đến học các lớp ngoại ngữ do một trung tâm của những vị nữ tu công giáo người Phi điều hành, tên viết tắt là CADP (Center for Assistance to Displaced Persons). Các lớp của CADP bao gồm lớp tiếng Việt (cho các em nhỏ khỏi quên tiếng mẹ đẻ), tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức. Ở trại tị nạn, tôi càng có cơ hội mở rộng "tầm hoạt động" của mình ra, làm việc cho thỏa chí, bù lại những năm tháng còn kẹt lại ở Việt Nam, không đủ môi trường hoạt động. Tôi xin vào làm thiện nguyện, không những chỉ ở một văn phòng, mà đến ba nơi khác nhau. Ở văn phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, tôi làm thông dịch viên cho các phái đoàn từ những nước muốn nhận người tị nạn vào nước họ. Tại văn phòng Counseling, tôi cũng làm thông dịch viên cho những người cần giúp đỡ về những vấn đề cá nhân, gia đình hay sức khỏe tâm thần. Còn ở trường CADP, tôi dạy một lớp tiếng Đức. Lần đầu tiên tôi mới biết được cách thức làm việc có quy củ, chuyên nghiệp của người ngoại quốc. Vào chỗ nào xin việc, tôi cũng được nhân viên ở đó phỏng vấn cẩn thận, một điều tôi chưa từng trải qua khi còn ở Việt Nam. Ở Cao Ủy LHQ và văn phòng Counseling thì dĩ nhiên là họ phỏng vấn tôi bằng tiếng Anh. Còn ở trường CADP thì tuy tôi xin vào dạy tiếng Đức, họ lại phỏng vấn tôi bằng tiếng Anh và tiếng Pháp! Đó là vì một thầy giáo người Việt đã dạy một thời gian ở CADP phụ trách việc phỏng vấn chỉ biết tiếng Anh và tiếng Pháp mà thôi. Chắc anh ta nghĩ nếu tôi chứng minh được khả năng về tiếng Anh và tiếng Pháp thì anh cũng có thể tạm tin rằng tiếng Đức của tôi có thể dùng được việc. Cũng có một cô giáo người Việt khác tên là Lan đang dạy một lớp tiếng Đức vào lúc đó. Thế là chúng tôi vui vẻ trở thành đồng nghiệp trong "tiểu ban tiếng Đức" chỉ có hai người, khá là tương đắc! Lớp học tiếng Đức của tôi gòm những người có thân nhân ở Đức, hay những người phải chọn Đức vì không có thân nhân ở đâu cả mà lại không muốn đi Pháp hay Bỉ. Tôi dùng một cuốn sách tiếng Đức do cô Lan đưa để soạn bài và dạy. Trong lớp có đủ lứa tuổi, mà nổi bật nhất là cô bé Nghĩa, khoảng tám chín tuổi gì đó. Cô bé lanh lắm, học giỏi, lãnh hội nhanh, tuy đọc tiếng Đức vẫn còn nặng giọng Việt. Bây giờ, Nghĩa đã là một thiếu phụ trung niên ở Đức rồi, chắc chắn nói tiếng Đức không còn giọng ngoại quốc nữa, và bỏ xa ông thầy dạy tiếng Đức ngày xưa của mình xa lăng lắc!

 
   
        Rồi hơn một năm rưỡi ở trại tị nạn của tôi trôi qua. Tôi được chị tôi ở Mỹ bảo lãnh, đặt chân đến vùng đất mơ ước từ bao năm. Lúc đầu, tôi được những người đi trước góp ý nên học ngành gì cho mau có việc làm. Ước mơ làm  thầy giáo của tôi bỗng biến đâu mất, nhường chỗ cho những lo toan về một cuộc sống mới mẻ, xa lạ. Người thì bảo tôi học kế toán, kẻ thì khuyên tôi nên theo ngành đồ hoạ. Cuối cùng rồi tôi bước vào trường đại học cộng đồng mà vẫn chưa biết mình muốn học gì, đành học hai năm đầu lấy chứng chỉ Liberal Arts, đồng nghĩa với "chẳng có ngành gì hết!" Sau đó, vào trường hệ bốn năm, sau nhiều băn khoăn, trăn trở, tôi đã chọn ngành tiếng Tây-ban-nha vì hai lý do chính. Thứ nhất, tôi nghĩ mỗi người chỉ có một thời để đi học, vậy phải học điều gì mình thích và có khả năng thì mới thành công được. Thứ hai, ở nam California nơi tôi ở, ngoài tiếng Anh ra, tiếng Tây-ban-nha là ngoại ngữ số một, không đối thủ (tiếng Việt được hân hạnh xếp thứ nhì!). Lúc đó, sinh viên ngành tiếng Tây-ban-nha được lựa chọn một trong ba trọng tâm: ngôn ngữ học, văn chương hay sư phạm song ngữ. Lúc bấy giờ, giấc mơ làm thầy giáo của tôi vẫn còn bị xếp xó, nên tôi chọn trọng tâm ngôn ngữ học chứ không chọn sư phạm song ngữ. Ngay cả sau khi học xong cử nhân rồi tiếp lên cao học, tôi cũng không mảy may nghĩ đến việc đi dạy. Cho đến khi xong cao học, tôi mới biết ra rằng muốn dạy bất cứ môn nào ở một trường đại học cộng đồng phải có bằng cao học là tối thiểu. Vậy là tôi xin được dạy một lớp tiếng Tây-ban-nha ở một trường đại học cộng đồng vào buổi tối, còn ban ngày thì vẫn tiếp tục học nữa, học cho đến khi nói được câu nói của nhân vật Richard Gere trong Pretty Woman, "I went all the way!".
          Nhìn lại, tôi thấy quả là số phận đã đưa đẩy, không riêng gì tôi mà chắc hầu như tất cả mọi người, đến nghề nghiệp của mình. Tiếng Việt rất thâm thuý, những chữ kép bao giờ cũng hàm chứa súc tích ý nghĩa của chúng. Nào là học hành, học hỏi, ăn học, làm ăn, nghề nghiệp, v,v. "Nghề" là công việc mình chọn, nhưng "nghiệp" thì muốn hiểu hai nghĩa cũng được. "Nghiệp" đồng nghĩa với "nghề", nhưng cũng có thể hiểu theo quan niệm nhà Phật là "karma". Với riêng tôi, nghiệp đi dạy học chắc là một tiếp nối của những đời trước mà không sao giải thích được (bất khả tư nghì!). Còn đã đi dạy ở xứ Mỹ mà lại dạy tiếng Tây-ban-nha chứ không là tiếng Đức hay tiếng Pháp (ngày xưa nếu tôi chọn đi một trong hai nước đó thì mọi sự bây giờ đã khác lắm rồi), thì chắc cũng là duyên nợ. Đối với tiếng Đức, có lẽ tôi có duyên nhưng không có nợ. Còn với tiếng Tây-ban-nha thì rõ ràng là duyên nợ đề huề. Không biết trong một tiền kiếp nào đó, tôi có từng gặp gỡ đại văn hào Cervantes, nhạc sư Andrés Segovia hay hoạ sĩ Picasso ở xứ sở của chiếc tây ban cầm và những trận đấu bò tót không, mà kiếp này tiếng Tây-ban-nha là nghiệp của tôi, cùng ăn, cùng thở với tôi trong từng giây, từng phút.

Trần C. Trí

No comments:

Post a Comment