Monday, November 3, 2014

NHỮNG CUỐN SÁCH TIẾNG TÂY-BAN NHA ĐẦU TIÊN CỦA TÔI



         Vào đầu thập niên 80, chỉ có một số ít người Việt Nam du học hay làm việc ở Cuba là biết tiếng Tây-ban-nha, còn đối với đa số người Việt trong nước, thứ tiếng của anh chàng hiệp sĩ Don Quixote vẫn còn khá xa lạ. Tôi chọn tiếng Tây-ban-nha để tự học vì nó gần gũi với tiếng Pháp. Phải tự học vì lúc đó không có trường lớp nào ở Nha Trang có dạy thứ tiếng này. Sách vở thì tôi phải kiếm ở những chỗ bán sách cũ còn lại từ trước 1975. Tôi còn nhớ cô bán sách cũ trên một chiếc xe ba-gác ở góc đường Yersin. Sách của cô trên dưới trăm cuốn, vậy mà khi tôi hỏi cô cuốn nào giá bao nhiêu thì cô trả lời cứ gọi là vanh vách. Tôi mua được cuốn L’espagnole sans peine của nhà xuất bản Assimil bên Pháp. Sách dạy bằng song ngữ, trang bên trái là tiếng Tây-ban-nha, còn trang bên phải là tiếng Pháp. Thật là nhất cử lưỡng tiện cho tôi, vừa học một thứ tiếng mới, vừa ôn lại tiếng cũ. Sách khai thác tối đa những điểm tương đồng giữa hai thứ tiếng về phát âm, ngữ vựng và văn phạm. Tôi còn nhớ như in câu đầu tiên của bài số 1 là Alberto va a París. Sao mà giống câu tiếng Pháp Albert va à Paris bên trang phải làm vậy! Tôi có đọc đâu đó rằng trí nhớ của con người hoạt động hữu hiệu nhất là khi chúng ta đang lơ mơ sắp chìm vào giấc ngủ. Tôi bèn thử áp dụng phương pháp này. Mỗi tối, khi đã yên vị trên giường, tôi đọc thuộc lòng một bài đối thoại hay kể chuyện trong sách. Tôi đọc đi đọc lại cho đến khi mắt trĩu xuống, cuốn sách rơi đánh bộp vì tôi đã ngủ lúc nào không hay. Sáng hôm sau, lúc có thì giờ ở nhà hay ở trong lớp học, tôi chép ra giấy bài vừa học thuộc lòng tối hôm trước. Sau đó, tôi làm phần bài tập, nhìn vào các câu tiếng Pháp rồi nói và viết ra bằng tiếng Tây-ban-nha. Làm xong rồi, tôi so lại với phần giải đáp trong sách để tự sửa. Cứ như thế, tôi học hết quyển sách. Học xong mà không có sách học tiếp, tôi đành học lại cuốn sách cũ một lần nữa. Một thời gian sau, tôi may mắn tìm được cuốn kế tiếp, La pratique de l’espagnol, ở một sạp bán sách cũ trong chợ Tạ Thu Thâu ở Sài Gòn, mừng như bắt được vàng. Lại cặm cụi học tiếp. Anh bạn thân yêu của tôi là Nguyễn Chính (hiện giờ là giáo sư toán ở Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang) lúc bấy giờ có dịp đi Hà Nội, kiếm mua đem về tặng tôi cuốn Diccionario español-vietnamita, tôi thích lắm. Cuốn từ điển đó đã được ba tôi mang theo qua mấy nghìn cây số cho tôi sau này, hiện đang nằm chễm chệ trên kệ sách của tôi ở Mỹ. Tủ sách ngoại ngữ của tôi hồi còn ở Việt Nam đã lên tới hơn cả ngàn cuốn, trong đó các cuốn sách giáo khoa, từ điển, truyện bằng tiếng Tây-ban-nha nằm xen lẫn với các cuốn bằng tiếng Anh, Đức, Pháp, Nga. Nhưng những cuốn sách đầu tiên mà tôi nói đến ở trên đã thực sự đưa tôi vào một thế giới giới mới, thế giới kỳ diệu của ngôn ngữ và văn hoá. Chúng như những hoài niệm tuyệt đẹp, và khó quên như người tình đầu tiên. Vốn liếng tự học tiếng Tây-ban-nha đã giúp tôi rất nhiều trong thời gian đầu đến Mỹ. Công việc đầu tiên ở xứ Cờ Hoa của tôi là thu ngân ở Bank of America, Beverly Hills. Khách hàng gốc Mỹ La-tinh rất thích đến cửa sổ của tôi vì ngoài tiếng Anh để giao dịch ra, họ còn có thể trao đổi với  tôi thêm vài câu chuyện bên lề bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Khi vào đại học, tôi ghi tên thẳng vào lớp Spanish 102, bỏ qua lớp 101 (như vậy tôi đã tiết kiệm được một mùa học 18 tuần, 5 tín chỉ và 25 đô-la – vì thuở đó mỗi tín chỉ có 5 đô-la thôi!). Xin cám ơn những cuốn sách tiếng Tây-ban-nha đầu tiên của tôi…

Trần C. Trí

No comments:

Post a Comment